Ngày 16/2, ông Nguyễn Văn Đức, 58 tuổi, chủ nhà vệ sinh 0 đồng ở thôn 2 xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), tháo dỡ cầu thang bắc qua hàng rào cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dẫn vào khu đất rộng hơn 5.000 m2 của mình. Sau khi dự án hoạt động hồi tháng 5/2023, thấy nhiều người đi ôtô phải tiểu tiện bên đường, ông nới rộng khu nhà vệ sinh của gia đình nằm cạnh cao tốc, bắc thang để khách đi vào, sử dụng miễn phí.
"Với lý do sai quy định và gây mất an toàn, chính quyền địa phương yêu cầu rút cầu thang vào trong", ông Đức nói và cho biết sau khi thang được tháo dỡ, nhiều người vẫn dừng xe để xin đi vệ sinh bởi tuyến cao tốc dài hàng trăm km chưa có trạm dừng nghỉ.
Ông Lê Quang Khởi, lái xe tải chở hàng tuyến TP HCM – Khánh Hòa, cho hay việc thiếu trạm dừng trên quãng đường dài từ Dầu Giây ra Vĩnh Hảo rất bất tiện cho tài xế. Bởi chạy xe từ TP HCM ra tới Bình Thuận, người lái đã thấm mệt, cần có chỗ ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi lấy sức đi tiếp.
Khánh thành giữa năm 2023, hai đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo tổng chiều dài gần 200 km giúp xe đi thuận lợi, rút ngắn thời gian từ TP HCM, Đồng Nai tới Bình Thuận. Tuy nhiên sau gần 10 tháng hoạt động, cung đường nói trên chưa có trạm dừng nghỉ, gây khó khăn cho tài xế và hành khách.
Ông Trần Ngọc Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết sau khi dừng hoạt động nhà vệ sinh "xây lụi" ở địa bàn, địa phương đề nghị giải pháp trước mắt là Ban quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết gắn bảng hướng dẫn trước nút giao Ma Lâm (cách nhà vệ sinh vừa ngừng hoạt động khoảng 10 km). Việc này giúp các tài xế có nhu cầu rẽ ra hướng quốc lộ 28 nghỉ ngơi, ăn uống, đi vệ sinh hoặc tiếp nhiên liệu.
"Gần nút giao Ma Lâm trên quốc lộ 28 có sẵn cây xăng, các quán ăn, bãi đậu xe rộng, đảm bảo an toàn cho các phương tiện dừng đỗ. Nghỉ ngơi xong, tài xế cho ôtô quay lại đường dẫn, nhập vào cao tốc, tiếp tục hành trình", ông Hiền nói.
Tuy nhiên phương án lâu dài vẫn là xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Trước đây Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch trên tuyến có ba trạm dừng đều nằm ở địa bàn tỉnh Bình Thuận (Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong). Mỗi trạm rộng 5 ha, đầy đủ dịch vụ xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí, bố trí đều ở hai bên đường để phục vụ xe chạy cả hai hướng bắc nam.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cho biết đến nay Cục Đường cao tốc Việt Nam đã chọn được sơ bộ các nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu thi công các trạm dừng nghỉ trên đoạn này, dự kiến đầu quý 2 năm nay khởi công. "Nếu mặt bằng được địa phương bàn giao sớm, các trạm sẽ được triển khai theo đúng tiến độ", ông Huy cho hay.
Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình 50-60 km cần bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.
Ngoài tuyến từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo, cả nước còn có một số đoạn cao tốc đã thông xe hoặc sắp khai thác, song chưa có trạm dừng nghỉ. Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết nguyên nhân là quy định pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ nên việc đầu tư trạm theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa thể khai thác đồng bộ với một số đoạn cao tốc.
Tư Huynh