Thế giới đã ghi nhận 132.980.966 ca nhiễm nCoV và 2.884.355 ca tử vong, tăng lần lượt 616.456 và 12.234, trong khi 107.234.432 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 6/4 cho biết tại thời điểm này họ "không muốn thấy hộ chiếu vaccine trở thành yêu cầu xuất nhập cảnh, bởi hiện nay chưa chắc chắn rằng vaccine sẽ ngăn ngừa lây nhiễm", thêm rằng bên cạnh đó là "lo ngại về vấn đề bình đẳng".
Bình luận của WHO đưa ra trong bối cảnh Singapore trở thành nước đầu tiên chấp nhận giấy thông hành điện tử của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, gồm chứng nhận xét nghiệm và tiêm phòng Covid-19. Du khách có thể nhập cảnh Singapore bằng cách trình ứng dụng điện thoại thông minh chứa dữ liệu liên quan Covid-19 của bản thân từ các phòng thí nghiệm uy tín.
Các hãng hàng không đang hy vọng nhiều quốc gia sẽ phê duyệt giấy thông hành kỹ thuật số trên các ứng dụng điện thoại thông minh, để cho phép việc đi lại được khôi phục nhanh hơn và tránh thủ tục phức tạp, chậm trễ tại các sân bay yêu cầu kiểm tra nhiều giấy tờ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.554.764 ca nhiễm và 570.183 ca tử vong do nCoV, tăng 57.294 ca nhiễm và 829 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Số ca nhiễm tại Mỹ đã gia tăng trong ba tuần qua, nhưng giới chức y tế tin rằng chiến dịch tiêm chủng đang được tiến hành nhanh chóng có thể giúp kiềm chế số ca tử vong. 1/3 dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cảnh báo nước này vẫn "chưa tới vạch đích" trong cuộc chiến chống Covid-19. "Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và vẫn đang trong cuộc đua sinh tử chống lại virus này", Biden phát biểu tại Nhà Trắng, nói thêm rằng các biến chủng mới của nCoV đang lan rộng nhanh chóng, khiến số ca nhiễm tăng trở lại và số ca nhập viện không còn xu hướng giảm nữa.
Biden bày tỏ hy vọng tất cả người trưởng thành tại Mỹ sẽ đủ điều kiện đăng ký tiêm chủng vào ngày 19/4, muộn hơn hai tuần so với mục tiêu được đề ra trước đó. Một số bang vốn đã dời thời hạn này sang ngày 1/5. Jeff Zients, điều phối viên Covid-19 của Nhà Trắng, hôm qua cho biết hơn 28 triệu liều vaccine sẽ được chuyển tới các bang trong tuần này.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 13.100.580 ca nhiễm và 336.947 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 77.391 và 3.794 ca.
Kể từ cuối tháng 2, Brazil mỗi tuần đều chạm mức kỷ lục về số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày, khi một biến chủng dễ lây lan hơn hoành hành và những biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện hời hợt, dẫn đến đợt bùng phát không thể kiểm soát.
Theo phân tích của Reuters, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng giúp kiềm chế sự bùng phát tại Mỹ, Brazil trở thành tâm điểm của đại dịch trên toàn cầu, chiếm tới 1/4 số ca tử vong mỗi ngày của thế giới. Một số nhà khoa học dự báo tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại Brazil có thể vượt quá Mỹ, dù dân số nước ngày chỉ bằng 2/3 Mỹ.
Bất chấp diễn biến tồi tệ, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes hôm qua cho biết Brazil có thể nối lại hoạt động kinh doanh trong hai đến ba tháng nữa. "Tất nhiên hoạt động kinh tế có lẽ sẽ giảm, nhưng sẽ ít hơn nhiều so với mức độ mà chúng ta đã hứng chịu năm ngoái", ông nói.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 12.799.746 ca nhiễm và 166.208 ca tử vong, tăng lần lượt 115.269 và 631.
Thủ đô New Delhi hôm qua bắt đầu áp lệnh giới nghiêm ban đêm, từ 22h tới 5h sáng hôm sau, cho đến ngày 30/4, trong bối cảnh phần lớn đất nước đang vật lộn kiềm chế làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên. Vinod Kumar Paul, quan chức y tế cấp cao chính phủ Ấn Độ, tuyên bố 4 tuần tới sẽ "vô cùng quan trọng".
Maharashtra, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước, hôm 5/4 cũng đã bắt đầu đóng cửa các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng, địa điểm thờ phụng, giữa lúc các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân.
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,35 tỷ dân đã tiêm 80,9 triệu liều vaccine Covid-19, nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng bị tụt lại về tỷ lệ tiêm chủng trên đầu người.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.841.308 ca nhiễm và 97.273 ca tử vong, tăng lần lượt 8.045 và 398 ca.
Bộ Y tế Pháp hôm qua cho biết số bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực đã tăng 193 người trong vòng 24 giờ, lên 5.626, mức cao nhất kể từ ngày 20/4/2020, khi Pháp đang trong đợt phong tỏa đầu tiên. Tổng số ca nhập viện vì Covid-19 cũng tăng 732 người trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày cao nhất trong hơn 4 tháng, lên 30.639.
Pháp đang hy vọng việc thúc đẩy tiêm chủng, kết hợp với đợt phong tỏa thứ ba kéo dài một tháng bắt đầu từ cuối tuần trước, sẽ giúp họ kiểm soát được đợt bùng phát mới nhất do các biến chủng nCoV mới. Hơn 9,5 triệu người, tương đương 14,2% dân số Pháp, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Anh, báo cáo 4.364.529 người nhiễm và 126.882 người chết, tăng lần lượt 2.379 và 20 trường hợp.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu tuần cho biết nước này đã chuyển sang giai đoạn hai của lộ trình nới lỏng biện pháp hạn chế. Theo đó, cửa hàng, quán rượu ngoài trời, tiệm cắt tóc, phòng gym và nhiều dịch vụ khác sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 12/4.
Toàn bộ người dân Anh sẽ được xét nghiệm Covid-19 hai lần mỗi tuần kể từ ngày 9/4. Chính phủ Anh hôm qua cho biết 31,6 triệu người dân đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.542.516 ca nhiễm, tăng 4.549, trong đó 41.977 người chết, tăng 162.
Bộ trưởng Y tế Indonesia hôm 5/4 cho biết mới có 20 triệu trong tổng số 30 triệu liều vaccine Covid-19 mà nước này đã đặt hàng giao trong tháng 3 và tháng 4 được chuyển tới, do các hạn chế xuất khẩu. Quan chức này cũng kêu gọi điều chỉnh lại chương trình tiêm chủng, ưu tiên nhóm người cao tuổi.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 812.760 ca nhiễm và 13.817 ca tử vong, tăng lần lượt 9.373 và 382 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 3/4 tuyên bố sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 ở khu vực thủ đô Manila và các tỉnh lân cận thêm ít nhất một tuần. Các biện pháp bao gồm cấm đi lại không cần thiết, tụ tập đông người, dùng bữa trong nhà hàng.
Dữ liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy 96% số ca nhiễm chưa bình phục tại nước này là nhẹ. Tuy nhiên, khả năng điều trị tích cực tại các bệnh viện ở khu vực thủ đô đã sắp chạm đến giới hạn, với 80% giường được sử dụng. Nhiều bệnh viện buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Ánh Ngọc (Theo Worldometers, Reuters, AFP)