Thế giới đã ghi nhận 131.889.040 ca nhiễm nCoV và 2.865.447 ca tử vong, tăng lần lượt 518.202 và 6.424, trong khi 106.182.305 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 12.587.920 ca nhiễm và 165.132 ca tử vong, tăng lần lượt 103.793 và 477.
Bang Maharashtra giàu nhất Ấn Độ, nơi có trung tâm tài chính Mumbai, thông báo sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về phòng chống Covid-19 kể từ ngày 5/4 do các ca nhiễm trong bang đang gia tăng nhanh chóng. Giới chức sẽ áp giới nghiêm ban đêm, cấm tụ tập trên 4 người, yêu cầu đóng cửa nhà hàng, rạp chiếu phim, nơi thờ tự và những địa điểm công cộng như bãi biển.
Các dịch vụ giao thông công cộng ở Maharashtra vẫn được phép hoạt động, nhưng ở mức 50% công suất. Hoạt động công nghiệp và sản xuất trong bang, cũng như các buổi quay phim ở Mumbai, quê hương của Bollywood, sẽ được phép tiếp tục nếu tuân thủ các biện pháp y tế.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 31.418.453 ca nhiễm và 568.762 ca tử vong do nCoV, tăng 35.105 ca nhiễm và 255 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm 4/4 thông báo 106.214.924 người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong khi 61.416.536 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Mỹ đã phân phối 207.866.645 triệu liều vaccine Covid-19 khắp cả nước.
Theo hướng dẫn cập nhật của CDC Mỹ, những người được tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 có thể di chuyển mà không cần cách ly, song họ vẫn cần đeo khẩu trang. Tổng thống Joe Biden trong khi đó cũng kêu gọi mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19 khi ca nhiễm vẫn tăng ở một số khu vực.
Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 12.984.956 ca nhiễm và 331.433 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 31.359 và 1.136 ca.
Một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất đang diễn ra tại Brazil, với biến thể mới dễ lây lan lần đầu được phát hiện tại quốc gia Nam Mỹ này. Đợt dịch Brazil khiến các quốc gia láng giềng quan ngại khi họ phải đối phó với dịch bệnh trong nước. Peru ban hành lệnh phong tỏa chặt chẽ vào lễ Phục sinh, Ecuador công bố các hạn chế mới, Bolivia phong tỏa biên giới với Brazil và Chile đóng biên toàn bộ.
Marcelo Queiroga, Bộ trưởng Y tế thứ tư của Brazil kể từ khi Covid-19 bùng phát, hôm 3/4 hy vọng có thể sử dụng các cơ sở thú y để tăng sản lượng vaccine khi nỗ lực tiêm chủng của nước này đang bị tụt hậu.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 4.822.470 ca nhiễm và 96.678 ca tử vong. Nước này đang thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba và đóng cửa các trường học trong ba tuần.
Số bệnh nhân Covid-19 trong các phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở Pháp đã tăng lên 5.341 người hôm 4/4. Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết tăng số giường ICU đồng thời cố gắng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng Covid-19.
Anh báo cáo 4.359.388 người nhiễm và 126.836 người chết, tăng lần lượt 2.297 và 10 trường hợp. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock hôm 3/4 cho biết 31.301.267 người dân nước này đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên và khoảng 5 triệu người đã tiêm đầy đủ hai liều. Chính phủ Anh khẳng định đang trên đà đạt được mục tiêu là cung cấp vaccine cho toàn bộ người trên 50 tuổi vào giữa tháng 4 và tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7.
Đức, vùng dịch thứ mười thế giới, ghi nhận 2.895.631 ca nhiễm và 77.557 ca tử vong, tăng lần lượt 9.611 và 55 trong 24 giờ qua. Đức hôm 4/4 thông báo sẽ xếp Hà Lan vào danh sách các quốc gia có nguy cơ lây nhiễm nCoV cao, buộc du khách từ Hà Lan phải xuất trình kết quả xét nhiệm âm tính để vào Đức. Do lo ngại về làn sóng Covid-19, Berlin cũng đã xếp các nước láng giềng Pháp, Czech và Ba Lan vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.534.255 ca nhiễm, tăng 6.731, trong đó 41.669 người chết, tăng 427.
Indonesia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ tháng 1 và đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 181,5 triệu người trong vòng một năm. Khoảng 10,7 triệu người Indonesia đã được tiêm vaccine.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 795.051 ca nhiễm và 13.425 ca tử vong, tăng lần lượt 11.028 và 2 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 3/4 tuyên bố sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 ở khu vực thủ đô Manila và các tỉnh lân cận ít nhất một tuần. Các biện pháp hạn chế gồm cấm đi lại không cần thiết và tụ tập đông người.
Ngọc Ánh (Theo Reuters/ AFP)