Trong đó, y tế và chăm sóc sức khỏe chiếm 36,3%; năng lượng bền vững là 24,6%. Các chủ đề tiếp theo gồm môi trường và biến đổi khí hậu (15,2%), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đa ngành (13,8%) và nông nghiệp (10,1%).
Ban tổ chức nhận xét, nhiều đề cử thuộc các lĩnh vực mới tiên phong như khám phá và thiết kế thuốc mới bằng AI; những giải pháp có tiềm năng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; các nguồn năng lượng hay quy trình sử dụng năng lượng bền vững mới. Một số tác giả đề xuất xây dựng hệ thống nông nghiệp thông minh tiết kiệm; nghiên cứu về các vật liệu, thiết bị và quy trình mới, có khả năng ứng dụng trong hoạt động đời sống cấp thiết hàng ngày...
Ở mùa giải đầu tiên, chương trình có 599 đề cử. Số lượng tăng lên ở mùa hai là 970 và mùa ba thu hút 1.389 đề cử.
Số lượng các nhà khoa học quốc tế trở thành đối tác đề cử chính thức của Giải thưởng VinFuture mùa 4 là 9.101 người. Con số này tăng hơn 70% so với 5.264 đối tác của mùa giải thứ ba và tăng gần 8 lần so với 1.200 đối tác của mùa đầu tiên. Trong số này, các nhà khoa học đối tác chủ yếu đến từ châu Mỹ (31,4%), tiếp đến là châu Âu (28,3%), châu Á (26%), châu Phi (7,3%) và châu Đại Dương (7,0%).
Đáng chú ý, trong số 9.101 đối tác đề cử, có 1.347 đối tác (14,8%) thuộc nhóm top 2% được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, 5.989 chuyên gia đến từ trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. Một số đơn vị nổi bật như: Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford (Mỹ); Đại học British Columbia (Canada), Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Anh); Đại học Quốc gia Singapore (Singapore); Đại học Tokyo (Nhật Bản); Đại học Quốc gia Australia (Australia)... Theo đơn vị tổ chức, sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành giúp nâng cao chất lượng của những công trình được đề cử Giải thưởng VinFuture.
TS. Lê Thái Hà, Giám đốc Điều hành Quỹ VinFuture cho biết năm nay có sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các công trình tham gia xét giải. Điều này cho thấy tầm nhìn và sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture đã được khẳng định. Chương trình mang những tiêu chí toàn diện và thiết thực, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người, song song với bảo đảm các tiêu chí phát triển bền vững.
"Đa số công trình đề cử là kết quả của những dự án hợp tác xuyên biên giới và đa ngành, vượt ra khỏi khuôn khổ giới hạn. VinFuture mong muốn thông qua việc tôn vinh các công trình đề cử xứng đáng sẽ mang đến tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sáng kiến khoa học công nghệ đột phá trên khắp thế giới", TS. Lê Thái Hà nhấn mạnh.
Vòng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture năm 2024 diễn ra từ ngày 1/6 đến 31/8. Các công trình ấn tượng vượt qua Sơ khảo sẽ tiếp tục tiến vào vòng xét giải cuối cùng. Hội đồng Sơ khảo gồm 10 thành viên đánh giá các đề cử dựa trên quy trình xét duyệt nghiêm ngặt và chuẩn mực quốc tế cao nhất nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng, minh bạch. Bộ tiêu chí đánh giá cốt lõi bao gồm mức độ tiến bộ trong khoa học công nghệ, tầm ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của con người, cũng như quy mô - sự bền vững của dự án.
Cũng theo đại diện ban tổ chức, sau gần bốn năm đi vào hoạt động, Giải thưởng VinFuture với sứ mệnh "Khoa học phụng sự nhân loại" đã ghi nhiều dấu ấn trong cộng đồng khoa học quốc tế bởi tầm nhìn, tiêu chí đánh giá toàn diện. Nhiều chủ nhân giải VinFuture tiếp tục được vinh danh ở những chương trình và bảng xếp hạng uy tín thế giới.
Đơn cử, chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021 là TS. Katalin Karikó và GS. Drew Weissman được vinh danh ở Giải Nobel Y sinh năm 2023. Gần đây nhất, ba Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2023 gồm GS. Daniel Joshua Drucker (Canada), GS. Joel Francis Habener và PGS. Svetlana Mojsov (Mỹ) được bầu chọn vào Danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới 2024 của tạp chí Time (Mỹ).
Minh Tú