Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 28/4 cho biết, riêng lượng người hưởng trong tháng 4 tăng mạnh, tới 805.000 người với số tiền gần 957 tỷ đồng. F0 hưởng chế độ chiếm 92% tổng lượt người được thanh toán bảo hiểm, hưởng bình quân hơn 1,2 triệu đồng, thời gian hưởng trung bình 7 ngày.
Bà Đinh Thị Thu Hiền, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, cho biết trong tháng 4, số người nhận chế độ ốm đau tăng 200% và tiền chi trả tăng 450%, phần lớn do người lao động là F0 làm hồ sơ hưởng. Tháng 2- 3 là giai đoạn đỉnh dịch ở các tỉnh phía Bắc, F0 tăng cao kỷ lục nên lượng người hưởng cũng tăng theo.
Theo bà Hiền, việc sửa đổi Thông tư 56/2017 nhằm bổ sung, công nhận 7 loại giấy tờ có giá trị như Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để F0 điều trị tại nhà hưởng chế độ ốm đau do Bộ Y tế chủ trì, các bộ ngành vẫn đang tìm cách tháo gỡ. Thời gian qua, bà cũng nhận nhiều thắc mắc của F0 liên quan chính sách này nhưng vẫn phải làm theo quy định cũ.
Trong thời gian chờ hướng dẫn mới, toàn ngành bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ giải quyết hưởng chế độ ốm đau với F0 theo đúng quy định tại Thông tư này.
Theo quy định hiện hành, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Song người lao động khi mắc Covid-19 phần lớn chỉ được cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly, điều trị do chính quyền địa phương hoặc Trạm y tế xã, phường cấp. Các loại giấy này không đúng mẫu với quy định của Bộ Y tế, khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán chế độ cho người lao động.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này chỉ tổ chức thực hiện chính sách chứ không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục. Nếu dùng những giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ thì khi cơ quan thanh tra, kiểm tra, buộc phải thu hồi số tiền đã chi, chứ không phải "muốn gây khó dễ cho người dân".
Việc gỡ vướng quyền lợi cho F0 điều trị tại nhà kéo dài gần một năm qua, từ tháng 6/2021 sau đợt dịch bùng phát ở Bắc Giang. Bảo hiểm xã hội tỉnh này phản ánh việc các bệnh viện dã chiến chỉ cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0, không đúng mẫu nên không thể thanh toán chế độ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ Y tế việc về chấp nhận giấy này để thanh toán, bởi hồ sơ đều thể hiện người lao động phải nghỉ việc điều trị Covid-19, đỡ phát sinh thủ tục hành chính và giảm tải cho y tế cơ sở. Song ngành y tế phản hồi "thực hiện theo quy định hiện hành".
Đầu tháng 3, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ làm căn cứ cho lao động là F0 điều trị tại nhà, bệnh viện dã chiến được hưởng quyền lợi, hoặc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Y tế công nhận các loại giấy tờ trên, quy định mẫu, thẩm quyền cấp vào Thông tư 56 sửa đổi. Giữa tháng 3, sau khi nhận ý kiến từ các bộ ngành, Bộ Y tế tiếp tục dự thảo đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ trên.
Từ đầu tháng 1/2022 đến nay, cả nước ghi nhận thêm hơn 8,6 triệu ca nhiễm, phần lớn là F0 triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Nhiều người có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để nhận trợ cấp.
Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động bị ốm đau mà phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì được chi trả trợ cấp ốm đau bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ.
Thời gian hưởng chế độ ốm đau với lao động làm việc trong điều kiện bình thường là 30 ngày nếu đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đóng đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đóng đủ 30 năm. Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì số ngày nghỉ được tính lần lượt là 40 ngày, 50 ngày và 70 ngày, tương ứng với số năm đóng BHXH như trên.
Hồng Chiêu