Miền Bắc: Gà lậu Trung Quốc
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi có công điện của Thủ tướng vào cuối tháng 7, các địa phương làm quyết liệt nên đã hạn chế được việc nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sang tháng 9, việc nhập lậu lại tăng trở lại.
Theo Cục Chăn nuôi, qua nhiều nguồn, kể cả người tham gia nhập lậu, cũng như người bán ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), ba tuần đầu tháng 9, bình quân mỗi ngày có 15-18 tấn "gà trọc đầu" thải nhập lậu từ Trung Quốc về chợ Hà Vỹ.
Chỉ trong ngày 23/9, có đến 4 xe ô tô, khoảng 16-18 tấn về chợ Hà Vỹ. Ngoài gà đẻ thải loại, còn có loại gà giống choai, khoảng 2 tuần tuổi, bán 10-12 nghìn đồng/kg cũng về rất nhiều ở khu vực chợ gia cầm giống Phú Xuyên, Hà Nội. Cùng đó, có trứng vịt, ngan khoảng 3-4 ngày sau là nở cũng nhộn nhịp nhập về.
Ông Sơn cho biết, chợ Hà Vỹ là nơi tiêu thụ, nhưng điểm tập kết gà lậu về các đầu nậu, sau đó hợp thức hóa giấy tờ thú y là ở Hưng Yên, Thái Bình. Việc nhập lậu chủ yếu qua Móng Cái, Quảng Ninh chiếm tới 90%. Ngoài ra, còn có ở chợ giống Quảng Uyên, Cao Bằng, địa bàn tiêu thụ là Bắc Giang, Hà Nội. Ở chợ này, ngoài người Việt, còn có người Trung Quốc tham gia vào đường dây buôn lậu.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chống buôn lậu, không có nghĩa đi bắt mấy ông cửu vạn, bốc vác, mà phải bắt đầu nậu, đặc biệt tại các điểm nóng là ở Hà Nội, Lạng Sơn, Móng Cái.
Gà thải loại Trung Quốc nhập lậu bày bán vô tư tại chợ Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội. Ảnh Tiền Phong |
Trong khi ở miền Bắc gà lậu loại thải ùn ùn đổ về từ Trung Quốc, thì ở miền Nam, người chăn nuôi cũng đang chết dần vì gà thải loại (đông lạnh) nhập về từ Hàn Quốc.
Theo Cục Chăn nuôi, việc nhập khẩu gà thải loại của Hàn Quốc về Việt Nam (chủ yếu khu vực TP HCM) là do một số doanh nghiệp nhập chính ngạch, hiện chưa rõ số lượng. Việc nhập này bắt đầu từ cuối tháng 8, đầu tháng 9. Do nhập chính thức, nên nguồn hàng này vẫn có kiểm dịch, an toàn thực phẩm.
Việc nhập gà già, thải loại, cả chính ngạch và nhập lậu đều khiến giá gà trong nước xuống rất thấp. Trong tháng 8, giá gà tăng 5.000 - 6.000 đồng mỗi kg, miền Bắc gà xuất chuồng có lúc lên 34.000 - 35.000 đồng mỗi kg, miền Nam 31.000 - 32.000 đồng mỗi kg. Giá gà như công nghiệp lông trắng chỉ còn 23.000 -24.000 đồng mỗi kg, lỗ 6.000 - 7.000 đồng. Theo các chuyên gia chăn nuôi, gà thải loại các nước được chế biến làm thức ăn gia súc, nhưng ở đây, họ lại chế thành thịt bán cho Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, gà thải loại đó nếu nhập chính ngạch thì vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm có thể đảm bảo nhưng hoàn toàn không có có giá trị dinh dưỡng. Hiện việc tái nuôi đàn gà của người dân đã giảm. Nếu tình hình ngày tiếp tục diễn ra trong tháng 10, chắc chăn ảnh hưởng đến nguồn cùng thịt cuối năm nay.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, tuần tới, Bộ này sẽ tổ chức cuộc họp với các bộ ngành như Công Thương, Công An và các địa phương Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh để bàn giải pháp truy quét gà nhập lậu.
(Theo Tiền Phong)