Macron cho hay thỏa thuận này được lãnh đạo tất cả các nước G7 thảo luận và nhất trí nhằm hỗ trợ các quốc gia Nam Mỹ đối phó với nạn cháy rừng kỷ lục ở khu vực Amazon.
"Chúng tôi đều nhất trí rằng cần giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng bởi nạn cháy rừng ở Amazon", Macron nói với các phóng viên hôm 25/8 tại Biaritz, địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7.
Tổng thống Pháp khẳng định các cường quốc trên thế giới cần sẵn sàng giúp đỡ các nước Nam Mỹ trồng lại rừng, song thừa nhận có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
"Có một vài điều nhạy cảm được đưa ra tại bàn đàm phán vì tất cả những điều này phụ thuộc vào các quốc gia Amazon. Dù tôn trọng chủ quyền của họ, chúng ta vẫn phải đạt mục tiêu trồng lại cây xanh và giúp mỗi quốc gia ở khu vực phát triển kinh tế", Tổng thống Pháp nói thêm, cho biết rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của hành tinh.
Macron đã đưa vấn đề cháy rừng Amazon thành nội dung được quan tâm nhất của chương trình nghị sự sau khi tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp toàn cầu, đồng thời khởi động các cuộc thảo luận về thảm họa này tại bữa tối chào mừng các lãnh đạo G7 hôm 24/8.
Một quan chức EU giấu tên cho biết các lãnh đạo G7 đã đồng ý làm mọi điều có thể để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng cháy rừng cũng như ủy quyền cho Macron liên lạc với các quốc gia Nam Mỹ để thảo luận về những việc cần làm. "Đó là phần thuận lợi nhất của các cuộc đàm phán", quan chức nói thêm.
Macron tuần trước cho rằng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro không thực hiện đủ các biện pháp để bảo vệ rừng mưa Amazon và không thực hiện đầy đủ các cam kết bảo vệ môi trường. Bolsonaro cũng hứng chịu nhiều chỉ trích khi phản ứng chậm chạp trước tình trạng cháy rừng ở Amazon.
Đáp lại, Tổng thống Bolsonaro cáo buộc các nước phương Tây "can thiệp chủ quyền", đồng thời khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để đối phó cháy rừng.
Khu vực rừng mưa Amazon ở Brazil đang trải qua nạn cháy rừng kỷ lục với 73.000 vụ hỏa hoạn trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 2013, theo số liệu của chính phủ Brazil. Lãnh đạo thế giới liên tục bày tỏ quan ngại về tình trạng cháy rừng Amazon, nơi được coi là "lá phổi" quan trọng của thế giới chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.
Brazil đã triển khai 44.000 binh sĩ và hai vận tải cơ C-130 chở nước dập cháy rừng. Quốc gia láng giềng Bolivia cũng đã thuê một "siêu máy bay chữa cháy" B747-400 SuperTanker của Mỹ tham gia chữa cháy rừng.
Ngọc Ánh (Theo CNA)