Cuộc họp của nhóm các nước công nghiệp G7 dự kiến diễn ra tại Biarritz, thị trấn tây nam nước Pháp vào tối 24/8.
Tổng thống Pháp Macron nói rằng cháy rừng đã tạo ra khủng hoảng quốc tế, tuyên bố sẽ đẩy vấn đề lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự G7. Trả lời phỏng vấn tối 23/8, ông cho rằng Amazon cần quản lý tốt hơn để chấm dứt tình trạng "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra.
Pháp, Ireland dọa sẽ chặn thỏa thuận thương mại tự do Mercosur giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Nam Mỹ nếu chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.
Nhiều quốc gia EU cũng đang gây sức ép lên Brazil. Chính phủ Phần Lan, chủ tịch EU, kêu gọi các quốc gia thành viên xem xét nhiều hạn chế thương mại hơn, như cấm nhập khẩu thịt bò Brazil.
76.720 vụ cháy được ghi nhận ở Brazil từ đầu năm tới nay, con số cao nhất từ năm 2013 và hơn một nửa số vụ cháy xảy ra ở Amazon. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân gây cháy do nạn phá rừng gia tăng để lấy đất trồng trọt hoặc chăn thả, hậu quả được thúc đẩy bởi chính sách phát triển kinh tế của Tổng thống Bolsonaro. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Bolsonaro nhiều lần nói rằng ông tin Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì mục đích kinh doanh, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản và nông nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Cháy rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình. Tại Brazil, các cuộc biểu tình phản đối chính sách môi trường của chính phủ được lên kế hoạch tổ chức ở 40 thành phố hôm 23/8. Trước đại sứ quán và lãnh sự quán Brazil ở một số thủ đô các nước châu Âu, người dân cũng tụ tập phản đối chính sách môi trường của Brazil, yêu cầu Bolsonaro từ chức.
Hồng Hạnh (Theo Guardian/AFP)