"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao, cũng như đồng hành lâu dài với Ukraine", các lãnh đạo G7 cho biết trong thông cáo chung được công bố sau ngày họp thứ hai của hội nghị thượng đỉnh tại Đức hôm nay.
Nhóm G7 khẳng định quyết tâm chặn những nguồn thu tài chính của Nga, trong đó có xuất khẩu vàng, đồng thời mở rộng các lệnh trừng phạt để hạn chế Moskva tiếp cận các công nghệ, dịch vụ và vật liệu công nghiệp then chốt.
Trong thông cáo, các lãnh đạo G7 cũng cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm vì gia tăng mối đe dọa với an ninh lương thực thế giới, khẳng định những biện pháp cấm vận tiếp theo sẽ không nhằm vào lương thực và bảo đảm duy trì dòng chảy thông suốt với các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine.
Giới lãnh đạo G7 cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Nga thông báo chuyển giao tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander cho Belarus trong vài tháng tới. "Chúng tôi kêu gọi Nga hành xử có trách nhiệm và thể hiện kiềm chế", thông cáo có đoạn.
G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nga từng là thành viên nhóm này, khi đó mang tên G8, nhưng vào năm 2014, các lãnh đạo nhóm đã loại Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea.
Các nước phương Tây đang nỗ lực ủng hộ Ukraine và gia tăng sức ép với Nga, nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã kéo dài qua tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Chiến sự Ukraine kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
Vũ Anh (Theo Reuters)