Trong khi Hy Lạp vẫn sẽ là câu chuyện trung tâm thì giới chức G20 cho biết cũng sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về tình trạng nợ tại một số quốc gia như Tây Ban Nha hay Italy cũng như ảnh hưởng của nó đến các nhà băng châu Âu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Christian Noyer (phải) và Bộ trưởng Tài chính Francois Baroin (giữa) chào mừng Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet tới dự hội nghị G20. Ảnh: AFP |
Những vấn đề nói trên trở nên ngày một nghiêm trọng khi Hy Lạp gần như sẽ vỡ nợ vào tháng 11 tới nếu không nhận được các khoản trợ giúp trị giá 11 tỷ USD từ EU. Tây Ban Nha cũng vừa bị Standard & Poor’s hạ xếp hạng tín nhiệm trong khi một hãng xếp hạng khác là Fitch cũng vừa hạ bậc và cảnh báo đối với một loạt ngân lớn của khu vực đồng tiền chung.
Trong bối cảnh đó, gói giải pháp được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm thứ 5 được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên từ phía các cơ quan điều hành đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn trông đợi nhiều hơn vào cuộc gặp cuối này của G20 với tuyên bố chính thức của các nước lớn. Triển vọng này đã giúp đồng euro tăng giá trở lại so với đôla Mỹ và đổi được 1,3828 USD vào cuối phiên giao dịch ngày thứ 6.
Tuy nhiên, giới phân tích kinh tế lại giữ một thái độ thận trọng hơn khi cho rằng một thỏa thuận cụ thể là không dễ đạt được sau cuộc gặp tại Paris, bởi bản thân nội bộ G20 vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng.
Phát biểu với hãng tin BBC, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi - Pravin Gordhan cho rằng việc IMF và EU mở rộng gói cứu trợ ngân hàng có thể tiếp tục làm mất cân đối tài khóa của các nước cũng như khiến cuộc khủng hoảng nợ trở nên trầm trọng hơn.
Không đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng IMF và EU có đủ nguồn lực để mở rộng gói cứu trợ nói trên. “Đúng là những vấn đề mà châu Âu đang gặp phải là rất nan giải. Tuy nhiên tôi tin rằng nó vẫn nằm trong khả năng giải quyết của các quốc gia trong khối”, ông Geithner phát biểu trên kênh CNBC.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết ông trông đợi nhiều vào một cam kết rõ ràng hơn từ phía EU và IMF về việc giải quyết triệt để những bất ổn nói trên. Ông Geithner cũng không giấu giếm ý định tiếp tục công kích Trung Quốc về vấn đề tỷ giá tại hội nghị lần này.
Nhật Minh