Học bổng nằm trong dự án "Mở rộng chuyển đổi nhân lực số" thông qua đào tạo trực tuyến, do FUNiX cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) phát động từ ngày 25/2.
Các khóa đào tạo được tài trợ bao gồm: lập trình viên full-stack; lập trình viên web, di động, java; diễn họa viên 3D; kiểm thử phần mềm và nhiều chương trình khác. Sau khi hoàn thành, người học sẽ nhận được hỗ trợ kết nối thực tập, làm việc tại các công ty công nghệ từ hệ sinh thái gần 40 doanh nghiệp đối tác của FUNIX trong cả nước.
Thời gian đào tạo trực tuyến cho mỗi khóa là 3-6 tháng. Các chuyên viên có kinh nghiệm đến từ ngành công nghệ thông tin (mentor) sẽ hướng dẫn 1-1 về mặt học thuật. Đồng thời, cán bộ chăm sóc học viên (hannah) giúp học viên duy trì động lực. Với phương thức đào tạo cá nhân hóa này, người học có thể chủ động tăng tốc độ, qua đó, rút ngắn thời gian đào tạo và đi làm sớm.
Hơn hết, FUNiX trao học bổng cho các đối tượng là phụ nữ hoặc người dân đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có mong muốn chuyển nghề sang lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là nhóm đối tượng còn chịu nhiều hạn chế trong việc tiếp cận cơ hội về đào tạo, việc làm trong ngành này.
Theo trang thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố được coi là "vùng trũng" về giáo dục và đào tạo. Hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Mặt khác, khu vực này cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Điều này tác động không nhỏ đến cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như thu nhập ổn định của lực lượng lao động tại đây.
Bên cạnh đó, Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, nữ giới là một đối tượng khác phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khi phải gánh chịu nguy cơ thất nghiệp cao hơn nhiều so với nam giới. Họ chiếm đa số trong những ngành chịu tác động lớn nhất bởi Covid-19, như dịch vụ ăn uống, bán lẻ và giải trí, trong khi đảm nhận phần lớn gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái khi các trường học đóng cửa.
Giám đốc Chương trình Đối tác tại FUNiX - bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ, thông qua dự án, đơn vị hy vọng mang đến cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp công bằng, bất kể giới tính, vùng miền, đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam.
"Chỉ cần kết nối internet và quyết tâm học tập, tất cả học viên sẽ được FUNiX đào tạo và hỗ trợ việc làm trong ngành công nghệ thông tin", bà khẳng định.
Đại diện đơn vị cho biết thêm, với hệ thống giáo dục hoàn toàn trực tuyến, có sự hỗ trợ của hơn 5.000 mentor, FUNiX có hơn 13.000 học viên theo học các chương trình đào tạo công nghệ thông tin.
Đến nay, đơn vị đã trao cơ hội học lập trình cho nhiều nhóm học viên quyết tâm chuyển đổi nghề nghiệp sang lĩnh vực công nghệ. Trong đó, dự án chuyển đổi số công nhân, chương trình "40 doanh nghiệp tài trợ học phí"... thu hút hàng chục nghìn người quan tâm đăng ký và hơn 1.000 học viên nhận học bổng.
Vân Nguyễn
Học viên quan tâm đến học bổng các khóa học của FUNiX đăng ký tại đây.
Thông tin liên hệ: Cô Nguyễn Hà Vân - vannh1@funix.edu.vn
Dự án "Mở rộng chuyển đổi nhân lực số" nằm trong khuôn khổ hoạt động "Nguồn nhân lực cho Đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp" do USAID tài trợ, hay còn gọi là USAID WISE.
Bên cạnh hoạt động trao học bổng, FUNiX còn được hỗ trợ nhằm mở rộng số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin hợp tác, cam kết đón nhận học viên sau khi tốt nghiệp.
Các bên cũng sẽ đầu tư sản phẩm truyền thông có chất lượng, phù hợp để tăng mức độ tiếp cận tới người có nhu cầu chuyển đổi thành nhân lực số.