Hoạt động này mang tới cơ hội học tập để chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động, đặc biệt là nhóm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đại dịch đã gây ra những hậu quả nặng nề về nhiều mặt, trong đó người lao động yếu thế như các công nhân tại các nhà máy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt thòi. Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 9, cả nước có hơn 1,3 triệu người lao động thất nghiệp.
Trong khi đó, ngành công nghiệp Công nghệ thông tin tại Việt Nam lại có đà tăng trưởng và đóng góp lớn cho GDP, cần nguồn nhân lực số lượng lớn. Do đó, FUNiX cùng các đơn vị thực hiện dự án Chuyển đổi số Công nhân nhằm trực tiếp đào tạo công nhân trở thành nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của chính mình. Các doanh nghiệp tài trợ ủy quyền cho FUNiX tiếp nhận và đào tạo lực lượng công nhân có mong muốn nhận tài trợ từ chương trình để học nghề và gia nhập ngành.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo công nghệ thông tin trực tuyến, có mạng lưới hơn 100 đối tác là doanh nghiệp trong ngành, FUNiX là đơn vị thực hiện dự án, tiếp nhận tài trợ và tổ chức giảng dạy. Đơn vị cam kết có thể góp phần cung cấp nguồn nhân lực mới dồi dào, có chất lượng cho thị trường nhờ phương pháp học tập linh hoạt, sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp này trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo, xây dựng chương trình học, tư vấn chuyên môn, định hướng nghề nghiệp...
Trong dự án này, 40 doanh nghiệp cùng nhận trách nhiệm với FUNiX trong việc đào tạo và tuyển dụng trên quy mô cả nước. Các đơn vị cùng triển khai các chương trình học nghề dành cho công nhân, đặt mục tiêu mang đến cơ hội nghề nghiệp mới trong ngành công nghệ thông tin cho người lao động bị ảnh hưởng, mất việc hoặc có mong muốn chuyển nghề trong đại dịch.
"Đây đồng thời là một giải pháp tốt cung cấp nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin vốn đang thiếu hụt trầm trọng", đại diện FUNiX cho biết.
Theo đó, người lao động là công nhân, nhân viên các ngành nghề chịu ảnh hưởng vì Covid-19, có mong muốn chuyển nghề sang IT... không phân biệt tuổi tác, giới tính đều có thể tham gia và được doanh nghiệp tài trợ toàn bộ học phí.
Khóa học chuyển nghề công nghệ thông tin có lộ trình 6 tháng. Học viên cần cam kết học tập trực tuyến ít nhất 3 giờ mỗi ngày, 6 ngày một tuần. Mỗi ngày, người học cần chủ động trao đổi học tập với giảng viên và cam kết làm việc cho doanh nghiệp ít nhất một năm sau khi học xong. Để đảm bảo cam kết này, học viên đặt cọc 50% chi phí khóa học (tương đương 15 triệu đồng) và sẽ nhận lại số tiền này sau khi hoàn thành khóa, nhận việc tại doanh nghiệp.
Bà Lê Minh Đức, Giám đốc FUNiX khẳng định: "Với sự đồng hành của doanh nghiệp và phương thức học tập hiệu quả của FUNiX, người lao động hoàn toàn có thể hoàn thành kế hoạch học tập chuyển nghề".
Công nhân tham gia chương trình có 4 lựa chọn học nghề: Tester, Lập trình viên Java, Lập trình viên Full Stack và Lập trình viên Mobile. Khóa học được thiết kế online, giúp học viên có thể học tập linh hoạt theo thời gian biểu của mình. Song song, người học sẽ nhận được sự hỗ trợ của các hannah - đội ngũ chăm sóc học viên và hàng nghìn mentor (chuyên gia công nghệ) trong ngành IT hướng dẫn kiến thức 24/7.
Đến nay, FUNiX đã nhận nhiều học viên chuyển nghề lập trình thành công từ những công việc khác nhau như tài xế, kinh doanh tự do, đầu bếp... Trong đó, Lê Đình Văn - công nhân may tại Quảng Nam đã thành công trở thành lập trình viên tại FPT Software. Anh cho biết: "Mọi con đường đều rất gian nan nhưng chỉ cần cố gắng hết sức, nhất định một ngày nào đó bạn sẽ thu lại được kết quả".
Anh Nguyễn Xuân An (Văn Giang, Hưng Yên) gắn bó hơn 10 năm với nghề tài xế xe tải trước khi học online công nghệ thông tin với mục tiêu chuyển nghề lập trình. Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch do công việc đình trệ, thu nhập giảm sút, anh An nỗ lực học tập để đổi nghề. Hiện, anh hoàn thành một nửa số môn trong chương trình và tiếp tục định hướng trở thành lập trình viên Java.
Với sự đồng hành của 40 doanh nghiệp công nghệ thông tin, hành trình chuyển nghề của những công nhân và người lao động chịu ảnh hưởng có thể giảm bớt gian nan. Ông Nguyễn Trần Nhàn - CEO NCC, doanh nghiệp hợp tác trong dự án, đánh giá cao ý nghĩa của Chuyển đổi số Công nhân. Theo ông, thiếu hụt nhân lực đang là một trong những thách thức đối với ngành IT Việt. Phía doanh nghiệp đã có những hoạt động đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực đa dạng nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Công nhân là một trong những lực lượng nhân sự giàu tiềm năng và hoàn toàn có thể đào tạo để chuyển đổi số, khỏa lấp sự thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin hiện nay. "NCC sẵn sàng đón nhận các bạn vào thực tập, làm việc và tin tưởng đây sẽ là một nguồn lực giúp công ty phát triển về đường dài" - ông Nhàn nói thêm.
Bên cạnh đó, bà Nghiêm Thị Lan Phương - COO AI Solution nhận định IT không khó học, đồng thời là một lĩnh vực rất cởi mở, nhiều tiềm năng. Không chỉ học trực tuyến, các bạn trẻ còn có thể làm việc trực tuyến, tham gia các dự án công nghệ của doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu. Bà khẳng định đây sẽ là cơ hội lý tưởng, đặc biệt dành cho những lao động trẻ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa... "Song song, doanh nghiệp cũng có thể giải quyết được bài toán khát nhân sự", bà nói.
Độc giả có thể đăng ký chương trình tại đây.
Quỳnh Anh