Ra mắt từ tháng 2, Friend Zone gây sốt ở Thái Lan với tổng doanh thu hơn 210 triệu baht (153 tỷ đồng). Phim chiếu ở Việt Nam từ ngày 15/3 với tựa Yêu nhầm bạn thân. Dự án đến từ ê-kíp từng thành công với Bad Genius (2017) hay Brother of the Year (2018).
Phim khởi đầu ở thời trung học, khi Palm (Naphat Siangsomboon) và Gink (Baifern Pimchanok) là đôi bạn thân thiết. Palm yêu Gink nhưng không dám bày tỏ do biết cô chỉ xem mình là bạn. Suốt 10 năm, anh có những mối quan hệ khác nhưng vẫn kề cận giúp đỡ cô. Lúc này, Palm thành tiếp viên hàng không điển trai, còn Gink làm việc cùng bạn trai - nhà sản xuất âm nhạc Ted (Jason Young).
Tên phim bắt nguồn từ một từ thịnh hành vài năm qua - Friend Zone, trường hợp đặc thù của "tình đơn phương", trong đó một người yêu thật lòng ai đó nhưng chỉ được xem là bạn. Anh ta hay cô ta trải qua cảm xúc lưng chừng, có lúc hy vọng, có lúc thất vọng. Còn người được yêu không xa lánh đối phương mà vẫn đối xử tốt, thậm chí chia sẻ chuyện riêng tư.
Ê-kíp Thái có cách kể và xây dựng tình tiết chắc tay ở hai phần ba đầu. Ở trường đoạn đầu, Palm đưa Gink đi khám phá một bí mật trong gia đình cô. Thông qua loạt tình huống, kịch bản vừa giải thích lý do Gink nghi ngờ đàn ông khi lớn lên, vừa khắc họa tình cảm của Palm. Ở đoạn giữa, phim gây hứng thú với chuyện Gink nghi ngờ Ted ngoại tình. Những bất ngờ nho nhỏ được cài cắm để đánh lạc hướng khán giả.
Nhiều tình huống trớ trêu xảy ra khi Palm tìm cách bộc bạch tình cảm. Anh phải lắng nghe Gink tâm sự về Ted, làm trợ thủ cho cô khi điều tra người yêu. Chàng trai rơi vào thế khó xử. Nếu không tỏ tình, anh sẽ mất Gink vào tay người khác. Nhưng nếu tỏ tình thất bại, Palm nhiều khả năng đánh mất nốt tình bạn với cô.
Dù vậy, tác phẩm để lại chút tiếc nuối trong cách giải quyết nút thắt khi Gink dễ dàng chấp nhận Palm. Chuyển biến tâm lý của cô có phần đột ngột, nhất là trong hoàn cảnh bộ đôi đã thân thiết, hiểu rõ nhau suốt 10 năm trước mà không tiến đến tình yêu. Còn nhân vật Ted bỗng biến mất, nhanh chóng bị loại khỏi chuyện tình tay ba. Phim cũng khắc họa sơ sài tuyến về nhóm bạn gái của Palm - những người nhanh chóng bị anh bỏ để đến với Gink.
Friend Zone đan cài yếu tố hài giữa các đoạn tình cảm với mức độ hợp lý, khiến phim không quá nặng nề. Những nhân vật phụ xuất hiện rải rác với câu thoại, hình thể gây cười. Tiêu biểu là nhóm bạn lắng nghe câu chuyện của Palm, cũng có chung nỗi niềm yêu đơn phương giống anh. Theo diễn biến, tác phẩm đưa người xem chu du qua hàng loạt địa điểm châu Á như vùng biển Krabi (Thái Lan), ngôi đền thiêng ở Yangon (Myanmar), phố ăn uống ở Hong Kong (Trung Quốc). Mỗi cảnh đều có điểm nhấn và vai trò nhất định trong câu chuyện.
Naphat Siangsomboon và Baifern Pimchanok diễn xuất ăn ý. Vẻ trẻ trung giúp họ thể hiện nhân vật từ thời trung học đến trưởng thành. Naphat Siangsomboon điển trai, hợp hình tượng tiếp viên hàng không sống thoáng. Anh cũng diễn tốt bằng ánh mắt ở những đoạn Palm đau buồn khi thấy Gink vui bên người khác. Còn Baifern Pimchanok hóa cô gái dễ thương, sống hiện đại và năng động. Ở cảnh Gink bộc bạch, diễn viên chuyển đổi tốt sang lối diễn nội tâm. Nhưng cô còn mắc điểm trừ ở một số cảnh cường điệu, như đoạn Gink nhảy lên bám thanh ngang khi đi xe buýt.
Nam phụ Jason Young là điểm sáng với vẻ nam tính, chững chạc. Màn hóa thân của anh khiến nhân vật "người thứ ba" Ted chiếm thiện cảm khán giả, không bị lu mờ trước hai vai chính. Còn Chi Pu xuất hiện trong vai khách mời (cameo) - một ca sĩ người Việt làm việc cùng Ted.
Phim dán nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi).
* Xem thêm: Các phim rạp ra mắt trong tháng 3
Ân Nguyễn