Chia sẻ tại buổi giới thiệu doanh nghiệp trước thềm niêm yết, bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cho biết, công ty đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận hàng năm lần lượt là 24% và 33,5%. Tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh thị trường điện thoại có dấu hiệu bão hòa được xem là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, thông qua việc đàm phán với nhà cung cấp để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, tận dụng lợi thế về quy mô trong quản lý hoạt động để tiết kiệm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng và thay đổi tỷ trọng ngành hàng nên công ty tự tin vẫn bám sát chỉ số này trong vòng ba năm tới.
“Thị trường bão hòa buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh ngành nghề mới trên nền tảng kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ. Thế Giới Di Động là một ví dụ điển hình và trong tương lai không xa, chiến lược của chúng tôi cũng không nằm ngoài xu hướng này”, người đứng đầu FPT Retail nói và cho biết thêm, công ty từng nghĩ đến việc tham gia chuỗi điện máy tương tự Thế Giới Di Động nhưng sau đó từ bỏ vì chưa đủ tự tin quản lý những cửa hàng quy mô lớn.
FPT Retail xúc tiến đầu tư cho ngành nghề mới sau khi cân nhắc các yếu tố như rủi ro thấp, ít cạnh tranh và tiềm năng phát triển lớn. Công ty đã thực hiện M&A một số cửa hàng và vận hành thử nghiệm tương đối thuận lợi khi không gây thâm hụt lợi nhuận của mảng bán lẻ chủ lực. Ngành nghề kinh doanh mới dự kiến đóng góp doanh thu từ năm 2019.
Theo bà Điệp mô tả thì ngành nghề này có quy mô thị trường khoảng 5 tỷ USD và chưa xác định đối thủ dẫn dắt rõ rệt, cộng thêm động thái “đầu tư cá nhân” vào chuỗi nhà thuốc Long Châu tại TP HCM hồi đầu năm thì nhiều khả năng FPT Retail cũng đang nuôi tham vọng tham gia lĩnh vực bán lẻ dược phẩm.
Nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép trong ngắn hạn, FPT Retail triển khai đồng thời nhiều chiến lược kinh doanh mới đối với chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện hữu. Trong đó, ưu tiên mục tiêu mỗi năm mở thêm 100 cửa hàng và nâng tổng số đến năm 2020 lên khoảng 700 cửa hàng.
Theo phân tích của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, dù dẫn đầu các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam về doanh thu trên mỗi mét vuông cửa hàng FPT Shop là khoảng 15.000 USD, nhưng con số này đang chịu ảnh hưởng lớn bởi số lượng cửa hàng mọc lên dày đặc. Trong thời gian tới, công ty sẽ gia tăng tỷ trọng doanh thu mảng bán lẻ trực tuyến lên 15% một năm.
FPT Retail cũng đang triển khai khá thành công kênh bán hàng cho nhân viên các doanh nghiệp công ty đối tác thông qua hình thức sử dụng trước trả tiền sau, thu nợ bằng khấu trừ lương hàng tháng. Kênh này hiện mang về doanh thu hơn 45 tỷ đồng mỗi tháng với khoảng 20.000 đơn hàng, tỷ lệ nợ xấu ước tính khoảng 0,4%.
Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay của FPT Retail lần lượt đạt 13.900 tỷ đồng và 291 tỷ đồng. Dù 9 tháng đầu năm mới hoàn thành 60% kế hoạch, nhưng biên lợi nhuận kinh doanh các dòng điện thoại “siêu phẩm” và mùa mua sắm cuối năm nhiều khả năng sẽ giúp công ty cán hoặc vượt chỉ tiêu.
Sau khi hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, FPT Retail dự kiến lên sàn chứng khoán trước ngày 30/4 năm sau. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần hiện tại ước đạt hơn 34.500 đồng. Công ty sẽ trả cổ tức năm nay bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, trong vòng hai năm tới dự kiến cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 20% mệnh giá.
Phương Đông