![]() |
Logo mới của FPT được thiết kế lại sau 22 năm hoạt động. |
Chiến lược thương hiệu mới có thông điệp “Tiếp nguồn sinh khí” và hình ảnh logo được thay đổi trên cơ sở kế thừa nhưng theo hướng hiện đại, năng động và thân thiện hơn. Theo đó, tinh thần cốt lõi của thương hiệu FPT là: FPT tiếp nguồn sinh khí cho các khách hàng, đối tác, doanh nghiệp, người tiêu dùng bằng các giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin thông minh. Chiến lược thương hiệu mới sẽ quy hoạch rõ hơn hướng phát triển của FPT theo đuổi chiến lược “Vì công dân điện tử” (e-citizen).
Với chiến lược mới, tập đoàn mong muốn người tiêu dùng sẽ thấy rõ hơn hình ảnh một FPT trên nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng do các đơn vị thành viên cung cấp. Một thương hiệu FPT chung sẽ bảo trợ cho tất cả các sản phẩm dịch vụ công nghệ của FPT. Các đơn vị thành viên của FPT sẽ tập trung về phát triển sản phẩm mà không cần xây dựng thương hiệu con.
Ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT nói: “Sự kiện công bố bộ nhận diện Thương hiệu mới của FPT ngày hôm nay đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của FPT. Thương hiệu mới là biểu tượng của một FPT đồng tâm hiệp lực và hết mình đối với khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết chất lượng của FPT với người tiêu dùng.”.
Chiến lược thương hiệu và thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu mới là kết quả tư vấn của JWT - Tập đoàn truyền thông đứng thứ 4 trên thế giới.
Cùng với việc đưa ra hình ảnh logo mới, FPT cũng tiến hành quy hoạch lại logo các công ty thành viên thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm các công ty kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông sẽ sử dụng trọn vẹn logo FPT với đầy đủ các yếu tố. Nhóm các công ty không thuộc lĩnh vực này chỉ thừa hưởng dấu hiệu 3 màu của logo.
Công ty Cổ phần FPT (FPT Corporation) thành lập ngày 13/09/1988, với các mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển phần mềm, tích hợp hệ thống, viễn thông, công nghiệp nội dung và các dịch vụ công nghệ thông tin, đào tạo.... FPT chính thức cán đích 1 tỷ đôla doanh số vào tháng 12/2008 và từ đó đến nay, FPT tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng trên 40% mỗi năm.
|
Kỳ Duyên