- Trở về Michigan đi!
- Về cái nhà máy to bự, xấu xí của các anh đi!
- Về cái nhà máy to bự, xấu xí, chỗ làm ra những chiếc xe xấu xí, tầm thường!
- Nói với lão chủ cứng đầu của các anh, rằng lão và đám lãnh đạo tự mãn của lão chỉ là một đám con hoang vô dụng.
- Bảo với lão, lão không phải là Henry Ford.
- Lão chỉ là Henry Ford đệ nhị.
- Đói rồi, đi kiếm gì ăn thôi - Enzo Ferrari quay sang bảo trợ lý và bước ra khỏi phòng. Những lời chửi rủa bằng tiếng Italy từ ông chủ Ferrari như "tát nước vào mặt", các thành viên của phái đoàn Ford chưng hửng. Họ đứng đó, tai lắng nghe phiên dịch, miệng câm như hến, khuôn mặt tái đi vì tức giận.
Đây là một phân cảnh trong Ford v Ferrari được các nhà làm phim Hollywood tái hiện vào 2019, lấy cảm hứng từ cuộc đối đầu giữa hai hãng sản xuất xe hơi danh tiếng ở thập niên 1960 trên đường đua Le Mans 24 giờ. Cuộc đối đầu mà sau 50 năm vẫn được nhắc đến như là một trong những giai thoại kinh điển nhất về niềm kiêu hãnh bị tổn thương, về hai cái tôi vĩ đại bậc nhất ngành công nghiệp xe hơi. Hệ quả là sự ra đời của siêu xe Ford GT hiện tại.
Xung đột của hai cái tôi vĩ đại
Mọi chuyện bắt đầu vào 1963 khi Ford lên kế hoạch tham gia vào hoạt động đua xe thể thao, chiến lược một mũi tên trúng hai đích. Lee Iacocca, một giám đốc cấp cao của Ford khi đó đề xuất ông chủ hãng xe Mỹ, Henry Ford II (cháu cả nhà sáng lập Henry Ford), rằng việc xuất hiện trên đường đua tốc độ và chiến thắng sẽ nâng cao hình ảnh của hãng. Đồng thời đây cũng là cách tiếp thị hiệu quả để thúc đẩy doanh số bán xe thương mại.
Xã hội Mỹ những năm đầu 1960 chứng kiến làn sóng văn hóa mới trỗi dậy của thế hệ Baby Boomer (sinh ở giai đoạn 1946-1964) sau Thế chiến thứ II và cuộc Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Những người này chiếm đến 20% dân số Mỹ và sẽ là nhóm khách hàng chi tiêu chính ở những năm tiếp theo.
Khác với kiểu chi tiêu ưu tiên tiết kiệm của bố mẹ, nhóm Baby Boomer ưa thích những sản phẩm hào nhoáng, khoe được cá tính và chất chơi của họ. Với họ, xe ôtô không chỉ thoải mái, bền bỉ mà còn phải chạy nhanh, động cơ mạnh. Điều này thu hút giới marketing của các hãng, thôi thúc họ đầu tư vào những sản phẩm xe thể thao tốc độ.
Bên cạnh việc nắm bắt được xu thế ấy của nhóm khách hàng trẻ tiềm năng, Ford giai đoạn này trải qua một đợt sụt giảm doanh số lớn do sự vươn lên của đối thủ General Motors (GM) và Chrysler. Thương hiệu xe mới Edsel dưới thời người cha Edsel Ford để lại khoản thua lỗ 250 triệu USD (tương đương khoảng 2,19 tỷ USD năm 2020). Những điều này càng thêm thôi thúc Henry Ford II cần một bước đi táo bạo.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, Ford không có một mẫu xe thể thao nào trong danh mục sản phẩm. Kế hoạch của hãng cũng chưa đề cập đến việc sản xuất một mẫu xe như thế. Một mẫu xe thể thao (sportcar) chạy với tốc độ 320 km/h lại càng không. Ford Mustang phải đến 1965 mới chính thức ra mắt.
Ở bên kia đại dương, "tay chơi" Enzo Ferrari đang đốt tiền kiếm được từ việc bán các mẫu xe Ferrari thương mại chạy hợp pháp trên phố, vào trường đua tốc độ. Nhưng ông chủ hãng ngựa chồm Itatly cảm nhận rõ sự bất ổn này. Rắc rối tài chính bắt đầu xuất hiện và không rõ có phải một sự sắp đặt đầy ý đồ, Enzo phát đi thông tin "Ferrari cần được cưu mang".
Nếu chưa thể chế tạo xe đua, cách nhanh nhất là mua lại một mẫu xe khác và biến đổi nó. Ford đánh hơi thấy mục tiêu ở Modena, Italy và Ferrari lọt vào tầm ngắm.
Lee Iacocca cử Donald N. Frey, cánh tay phải đắc lực của mình và một phái đoàn đến Italy để đàm phán. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Enzo Ferrari đồng ý bán lại công ty với giá 10 triệu USD. Nhưng trong đêm cuối hợp đồng chuẩn bị hoàn tất, một tình huống nằm ngoài dự liệu của nhóm người Mỹ khiến mọi thứ đổ bể.
Enzo đọc lại bản hợp đồng và phát hiện điều khoản Ford buộc ông phải "đệ trình" để được "thông qua" đối với chương trình đua xe nào có ngân sách quá 450 triệu Lira (tiền cũ của Italy sử dụng đến 2002 và thay bằng Euro), tương đương 257.000 USD thời bấy giờ. Đây cũng là con số mà đội đua Ferrari chi ra trong mùa 1963.
Ông chủ của Ferrari dùng bút mực tím gạch chân 2 lần chữ "đệ trình", "thông qua" trong bản hợp đồng và bắt đầu giận dữ. Ông nói tự trọng của một kỹ sư, một người Italy, người đứng đầu Ferrari, đã bị xúc phạm sâu sắc. Ngay sau đó là những câu chửi rủa liên tiếp bằng tiếng Italy trước mặt các quan chức Ford. Chi tiết này về sau được Franco Gozzi, thư kí riêng của Enzo kể lại. Ông nói Enzo tuôn một tràng những lời mạt sát mà "bạn sẽ không thể tìm ra trong bất cứ từ điển nào".
Lúc đó là 10 giờ đêm ngày 20/5/1963, 22 ngày sau lần đàm phán đầu tiên, sau những bữa ăn tối thân mật và những lần lái xe xé gió. "Đi kiếm gì ăn thôi, đói rồi!", Enzo gọi thuộc cấp và bước đi, để lại 14 thành viên của phái đoàn Ford ngồi lặng im, không nói nên lời. Cuộc đàm phán kết thúc.
Henry Ford II, ông chủ của hãng xe có lượng sản xuất một tháng còn nhiều hơn Ferrari trong một năm, điên tiết khi nghe cấp dưới kể lại sự việc. Enzo Ferrari thậm chí còn đổ thêm dầu vào lửa khi sau đó bán một nửa công ty cho Fiat vào 1969. Sự việc này khiến ban lãnh đạo của Ford củng cố thêm suy đoán, Enzo Ferrari thực tế không muốn bán công ty cho Ford như một cách để bảo vệ trước Ford - "kẻ xâm lăng" ngoại quốc. Đồng thời dùng chính hãng xe Mỹ để "làm giá" và âm thầm đàm phán với Fiat.
Cảm giác bị xúc phạm và chạm lòng tự ái, Henry Ford II triệu tập một cuộc họp với các quan chức lãnh đạo hàng đầu. Câu nói "làm cho tôi chiếc xe để hạ nhục Ferrari trên đường đua Le Mans" của ông trở nên nổi tiếng về sau. Để thực hiện dự án này, tiền không quan trọng. Henry Ford II yêu cầu tập hợp những kỹ sư giỏi nhất, những tay đua xuất sắc nhất và những bộ não ưu tú nhất với một mục tiêu duy nhất, đánh bại Ferrari, hãng xe thống trị Le Mans 24 giờ, giải đua danh giá nhất thế giới thời bấy giờ.
Cuộc đọ sức giữa hai cái tôi vĩ đại bậc nhất ngành công nghiệp xe hơi - Enzo Ferrari và Henry Ford II - bắt đầu.
>> Đọc tiếp GT40 ra đời và màn báo thù của Ford
Thành Nhạn (theo Forbes, Drivetribe, Popular Mechanics)