GT40 và màn báo thù của Ford
10 triệu USD mua Ferrari bất thành, Ford đổ hết số tiền này cho dự án chế tạo xe đua lần đầu tiên trong lịch sử của hãng. Nhưng mọi thứ bắt đầu từ con số 0 vì 350.000 con người ở Ford lúc này, không một ai trong số họ từng chế tạo một mẫu xe thể thao với cấu hình động cơ đặt giữa, chạy với vận tốc hơn 300 km/h và liên tục trong 24 giờ.
Tinh thần háo hức ban đầu nhờ liều doping "tự ái" nhanh chóng qua đi khi Ford bắt đầu chế tạo xe thực tế. Thiếu kinh nghiệm trong chế tạo xe đua buộc Ford phải cậy nhờ các chuyên gia nước ngoài. Hãng chuyển hoạt động chế tạo đến Anh và xây một cơ sở nghiên cứu gần sân bay Hearthow.
Ford thuê Eric Broadley, nhà sáng lập hãng xe đua Lola Cars (Anh) để thiết kế khung sườn. John Wyer, một tay đua từng chiến thắng Le Mans 1959 được mời về chịu trách nhiệm khâu chế tạo và phụ trách đội đua. Roy Lunn, người của Ford giữ vai trò giám đốc điều hành cùng 3 kỹ sư người Mỹ đến Anh.
Hai nguyên mẫu đầu tiên ra mắt vào 1964 dựa trên nền tảng chiếc Lola Mk6, động cơ V8 do Ford cung cấp. Với chiều cao 40 inch (1.016 mm), Ford lấy tên GT40 cho chiếc xe đua này. Có tổng cổng 3 nguyên mẫu GT40 được xây dựng trên đất Anh để sử dụng cho cuộc đua Le Mans 1964.
Những chiếc GT40 đầu tiên của Ford chạy rất nhanh, tốc độ đạt trên 320 km/h . Nhưng để tồn tại ở Le Mans, tốc độ thôi chưa đủ. Ford GT40 không thể hoàn thành chặng đua liên tiếp trong 24 giờ. Thiết kế khí động học tệ hại, hộp số bị vỡ, vòng đệm đầu xi-lanh nổ tung vì quá nhiệt. Ở tốc độ cao, xe có khuynh hướng bị nâng lên.
Nhiều nhược điểm trên GT40 thế hệ đầu tiên khiến hai nguyên mẫu thử nghiệm gặp tai nạn khi chạy nước rút ở đoạn đường thẳng Mulsanne Straight (dài 6 km) thuộc đường đua Le Mans vào 1964. Roy Salvadori, một trong những người thuộc đội thử nghiệm rút lui. "Tôi phải ngừng tham gia để tự cứu lấy mình", ông nói.
Những chiếc GT40 tham gia chặng đua Le Mans 1964 thất bại toàn tập. Ba chiếc xe đua của hãng hoặc gặp tai nạn, hoặc bốc cháy khi cuộc đua còn chưa kết thúc. Ba vị trí về đích chung cuộc đều của Ferrari. Hãng xe của ông chủ Enzo Ferrari có lần thứ tư liên tiếp vô địch giải đấu này.
Thất bại của mùa giải Le Mans 1964 khiến Ford không còn tin tưởng đội ngũ trên đất Anh. Năm 1965, hãng dời trung tâm nghiên cứu chế tạo về đất Mỹ và bắt đầu tìm kiếm những con người mới để tiếp tục theo đuổi dự án xe đua. Lần này, Ford mời về Carroll Shelby, một tay đua Mỹ hiếm hoi từng chiến thắng tại Le Mans (1959), chịu trách nhiệm phát triển GT40 thế hệ tiếp theo.
Caroll Shelby tìm đến Ken Miles, một lính người Anh từng tham chiến ở Chiến tranh thế giới II và giờ là một trong những tay đua giỏi nhất xứ cờ hoa. "Chiếc xe thật kinh khủng", Ken Miles thốt lên khi cầm lái chiếc GT40 nguyên mẫu đầu tiên.
Cả hai cùng đội ngũ kỹ sư của Ford lao vào các cuộc thử nghiệm, cải tiến thiết kế khí động học, động cơ, giảm xóc, phanh trên GT40. Mọi thứ đều ủng hộ họ ngoại trừ thời gian. Trước khi vào giải đấu Le Mans 1965, đích thân Henry Ford II gửi một mẫu giấy viết tay cho đội đua với dòng chữ: "Tốt hơn là các anh nên thắng lần này".
Lời khích lệ của ông chủ Ford cũng không giúp đội đua trên chiếc GT40 giành chiến thắng. Cả 6 chiếc xe của đội tham gia tranh tài đều không thể hoàn thành hết chặng hoàn chỉnh của Le Mans 1965. Năm đó, Ferrari có lần thứ 5 liên tiếp vô địch giải đấu.
Thất bại thứ hai của Ford khiến các giám đốc cấp cao thúc giục Henry Ford II dừng màn báo thù này lại. Tiền đổ vào chương trình đua xe của Ford chẳng mang lại tích sự gì ngoại trừ sự nhục nhã. Nhưng ông chủ Ford kiên quyết "chơi đến cùng".
Để chuẩn bị cho mùa 1966, các kỹ sư Ford sử dụng Dynometer, một hệ thống mô phỏng, đo lường hiệu suất, gia tốc, mô-men xoắn, độ bền cho GT40 để chắc chắn chiếc xe có thể vận hành hoàn hảo trên đường đua khắc nghiệt như Le Mans. Vào thời điểm đó, Dynometer là một khái niệm mới mẻ.
Các kỹ sư ghi nhận mức vòng tua máy và các điểm chuyển số của hộp số trên một vòng lap ở đường đua. Máy tính điều khiển chiếc xe như một người lái thực thụ, kể cả các lần vào pit hay tắt động cơ tạm thời. Động cơ của xe chạy liên tục đến khi phát nổ, nhóm nghiên cứu khi đó sẽ tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục ở lần tiếp theo. Cuối cùng, một động cơ 7.0 V8 có thể chịu đựng được gần hai chặng đua Le Mans liên tiếp được chọn.
Phanh cũng là một vấn đề nan giải trên những chiếc xe Ford GT40. Các kỹ sư Ford thấy rằng, khi người lái đạp phanh ở đoạn cuối đường thẳng Mulsanne Straight, má phanh quay tốc độ cao có thể nóng lên 1.500 độ F (815 độ C) chỉ trong vài giây, dẫn đến hỏng.
Việc kìm hãm một cỗ máy nặng hơn 1,3 tấn mỗi 3,5 phút ở dải tốc độ hơn 320 km/h liên tục trong 24 giờ trở thành thách thức cho đội ngũ của Ford. Còn đối với các tay đua, ngồi trong một chiếc xe phóng hàng trăm km/h ở cấp số 3 chẳng khác nào gắn họ vào một cái lồng trong tàu con thoi. Không trợ lực lái, không trợ lực phanh, không bất cứ công nghệ hỗ trợ điện tử nào và chạy trên bộ lốp của những năm 1960. Họ phải có thừa sự dũng cảm, liều mạng hoặc thậm chí là cả hai.
Phil Remington, một kỹ sư Ford trở thành cứu tinh của đội đua khi nghĩ ra công cụ cho phép các kỹ thuật viên thay má phanh mòn, nóng ngay lập tức khi xe vào pit-stop. Các đội đua khác từng phàn nàn về sáng kiến của Remington và xem đó là phạm luật nhưng bất thành.
Ferrari đem đến giải đua Le Mans 1966 chiếc Ferrari 330 P3 lắp động cơ 4.0 V12. Ford có màn báo thù ngọt ngào sau nhiều năm thất bại liên tục khi 3 vị trí về đích đầu tiên là bộ ba GT40. Chiến thắng của đội đua Mỹ không những giúp Henry Ford II phục hận Enzo Ferrari, mà còn chấm dứt sự thống trị của người Italy ở sân chơi Le Mans. Sau chiến thắng này, Ford có ba lần tiếp lên ngôi.
Không có con số cụ thể nào về chi phí Ford đã sử dụng cho sự ra đời của Ford GT40 và chương trình đua xe mang đầy màu sắc "trà thù" cá nhân. Một số chuyên gia ước tính khoảng 25 triệu USD được ông chủ Ford chi ra để lật đổ Ferrari.
Kinh nghiệm chế tạo xe thể thao và di sản của GT40 để lại sau này vượt ngoài khuôn khổ cuộc chiến trên đường đua tốc độ giữa hai hãng xe Âu-Mỹ. Sau hơn 50 năm, siêu xe Ford GT hiện tại, một cỗ máy tốc độ lăn bánh hợp pháp trên phố như bước ra từ đường đua và chứa đựng tinh thần lẫn niềm kiêu hãnh của người Mỹ trong ngành chế tạo xe hơi.
Tác giả A.J. Baime của cuốn sách Go Like Hell: Ford, Ferrari, and Their Battle for Speed and Glory at Le Mans (Đua điên cuồng: Ford, Ferrari - cuộc chiến tốc độ và vinh quang tại Le Mans), từng nhận xét:"Chúng ta có cuộc đối kinh điển giữa một bên là CEO nổi tiếng và quyền lực nhất nước Mỹ, Henry Ford II, một bên là Enzo Ferrari, người đàn ông dễ tự ái nhất trái đất này, nhưng điều đó xứng đáng thôi, vì ông là thiên tài".
Thành Nhạn (theo Forbes, Drivetribe, Popular Mechanics)