Ở Việt Nam, phần đông xe bán tải được sử dụng như xe con, vẫn hàng ngày đi về trong nội thành, cả năm chỉ vài lần chở hàng. Để đáp ứng nhu cầu này, Ford làm tốt hơn cả. Ranger là vua doanh số phân khúc, không có đối thủ vì thiết kế nam tính cứng cáp, tiện nghi trang bị đủ đầy, phong cách hiện đại. Chiếc pick-up cho người ta quan niệm sạch sẽ như đi một chiếc xe con, không bụi bặm như xe tải.
Khi Ford giới thiệu chiếc Ranger Raptor với những ưu ái bậc nhất về công nghệ cùng mức giá 1,2 tỷ được cho là "mềm", mọi sự chú ý đổ dồn về cái tên mới. Nhưng Raptor không mang trách nhiệm về doanh số, mà có nhiều ý nghĩa hơn ở mặt thương hiệu. Sự xuất hiện của Raptor, để nâng tầm cho Ranger, nhất là bản Wildtrak.
Phiên bản mới không có thay đổi nào đáng kể ở thiết kế, lưới tản nhiệt với hai thanh tản nhiệt mảnh hơn, đèn sương mù đặt gọn và tăng phần cứng cáp hơn bản trước. Nếu thùng có nắp đậy, trông xe không khác gì một chiếc Everest. Vẻ ngoài sạch sẽ và thành thị của xe bán tải ở Việt Nam trái ngược hoàn toàn so với gu của người Thái. Ở đất nước chùa vàng, xe bán tải phục vụ nhu cầu chở hàng để di chuyển từ ngoại thành vào thành phố buôn bán nên không có được sự chăm sóc trong hình thức. Cũng vì vậy, Isuzu D-Max và Toyota Hilux mới là vua doanh số tại Thái Lan, trong khi đứng cuối bảng tại Việt Nam.
Ngồi lên Ranger mới thấy sự khó khăn khi phải đi những chiếc xe gầm thấp. Khoảng không gian mở rộng, tư thế ngồi cao và gương chiếu hậu cỡ lớn. Sau vô-lăng, tài xế dễ dàng làm chủ tình hình giao thông. Nếu xe tải quá cao dễ bị điểm mù bên hông, sedan hay hatchback thấp khó kiểm soát không gian thì bán tải là vừa đủ để khắc phục hai nhược điểm này.
Đóng cửa, không nghe thấy tiếng máy cành cành quen thuộc của động cơ diesel. Chỉ khi dúi ga, âm thanh này xuất hiện sau đó nhường chỗ cho tiếng ù ù tăng tốc. Cách âm thuộc loại tốt trong phân khúc nhờ hệ thống chống ồn chủ động. Vô-lăng trợ lực điện khá nhẹ khi xoay trở chiếc xe nặng tới 3 tấn nếu chở đầy đồ. Lái Ranger trong phố nhẹ nhàng và êm như một chiếc crossover ngưỡng 1 tỷ.
Ở phiên bản trước, khi Ford lắp động cơ 3.2 cho Wildtrak, đối trọng được mang ra so sánh nhiều nhất là Colorado. Thực tế khoảng một năm qua, Colorado trỗi dậy như một lựa chọn khác đáng cân nhắc sau Ranger. Nếu những yếu tố về vận hành khá tương đồng, thì việc chọn mẫu nào hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của khách. Về phần này, xe của Ford dễ thuyết phục hơn bởi trau chuốt thiết kế và phong cách thành thị hơn.
Sang bản mới, Ford bỏ máy 3.2 turbo đơn cũ, thay vào đó là loại 2.0 bi-turbo. Quan niệm về động cơ nhỏ trên xe tải không đủ sức kéo như máy lớn không còn đúng. Kinh nghiệm làm động cơ xăng tăng áp EcoBoost giúp hãng xe Mỹ phát triển hoàn thiện cỗ máy mới cho động cơ diesel. Sức kéo đạt tối đa 500 Nm ngay ở vòng tua 1.750-2.000 vòng/phút. Đồng nghĩa với việc, chỉ cần hơi sâu ga, xe đã sẵn sàng sung sức. Bản 3.2 chỉ đạt 470 Nm. Tốc độ ở các dải vòng tua sau cũng được bồi đắp khi công suất lên ngưỡng 213 mã lực tại 3.750 vòng/phút. Trước đó, bản 3.2 là 197 mã lực.
Bổ sung thêm một bộ tăng áp giúp Ranger mượt mà, liền lạc thấy rõ. Độ trễ giảm đáng kể ở tốc độ thấp, trong khi nhẹ nhàng khi lên cao.
Sau động cơ thì hộp số 10 cấp mang đến những mới lạ. Nếu ở bản 3.2 cũ lắp hộp số tự động 6 cấp giúp xe duy trì tốc độ 100 km/h ở ngưỡng tua máy 2.000 vòng/phút thì hộp số 10 cấp làm được nhiều hơn thế. Khi đã đều trớn, chỉ nhấp ga nhẹ chưa tới 1.500 vòng/phút, tốc độ sẽ đều đặn 100 km/h, dù hộp số mới chỉ lên tới số 8. Vòng tua sẽ tụt xuống 1.400 khi lên cấp 10. Trong thành phố, cơ hội để đi tới cấp số 10 gần như không có, nhưng ở đường trường, cao tốc, hiệu năng của hộp số mới thấy rõ. Bước chuyển số mượt khó lòng nhận ra.
Khi vượt mố cầu trên đường cao tốc, Ranger êm với hệ giảm xóc độc lập tay đòn kép phía trước và loại lá nhíp phía sau. Cao cấp hơn, trên Raptor, giảm chấn sau được dùng loại phuộc thủy lực của Fox, cho khả năng triệt tiêu dao động nhanh, không bồng bềnh.
Hộp số 10 cấp được thiết kế để tăng tốc muộn ở các cấp số thấp tương tự loại 6 cấp trước đây, giúp duy trì khả năng tải nặng, tăng tốc cũng như vượt dốc. Để phù hợp từng loại địa hình, xe có núm gài cầu điện tử với các chế độ 2H, 4H và 4L. Ở 2H xe chỉ chạy cầu sau, sang 4H tức hai cầu nhanh, và 4L là hai cầu chậm, lúc này vi sai trung tâm bị khóa. Nếu 4H giúp tăng lực kéo trên các mặt đường trơn trượt thì 4L là lúc bạn cần đi chậm để vượt những địa hình khó như đá, bùn lầy. Khi ấy, vi sai trung tâm khóa để hai cầu cùng nhận lực truyền như nhau. Nếu trường hợp bánh sau một bên bị mất bám, tài xế có thể sử dụng thêm nút khóa vi sai cầu sau để vượt lầy.
Việc sử dụng động cơ nhỏ nhưng thêm turbo và hộp số nhiều cấp là cách Ford giúp chiếc bán tải vận hành ngày càng giống xe con: mượt mà, không giật cục, giảm ồn và sạch sẽ. Tuy vậy, Ranger cũng như các mẫu bán tải khác, chưa thể giải quyết triệt để nhược điểm cố hữu là hàng ghế sau độ ngả thấp và không có cửa gió điều hòa hàng sau.
Bù lại, tiện nghi nội thất khá phong phú, điều hòa tự động 2 vùng, màn hình thông tin giải trí 8 inch sử dụng công nghệ Sync 3, bản đồ dẫn đường, hệ thống âm thanh 6 loa với kết nối Bluetooth, USB. Tài xế có cửa kính một chạm, gương chiếu hậu trong tự động chống chói, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, đèn HID projector tự động, gạt mưa tự động.
Công nghệ an toàn cũng ngập tràn so với các đối thủ, với 6 túi khí, camera lùi, cảm biến đỗ xe, ABS, EBD, BA, cân bằng điện tử, kiểm soát giảm lật xe, khởi hành ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, kiểm soát hành trình chủ động duy trì khoảng cách, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn, cảnh báo va chạm trước và hỗ trợ đỗ xe tự động.
Với lượng công nghệ phong phú, Ranger Wildtrak 2.0 bi-turbo cũng có mức giá đắt nhất phân khúc, 918 triệu. Bản cao nhất của Hilux giá 878 triệu, Colorado giá 789 triệu và Triton sắp ra mắt khoảng 820 triệu. Tất nhiên, Wildtrak không phải là phiên bản chính mang lại doanh số "khủng" cho Ranger, nhiệm vụ này thuộc về các phiên bản 2.2 máy cũ hoặc 2.0 turbo đơn với giá dễ chịu hơn.
Đức Huy