Trong báo cáo công bố ngày 8/10, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cho biết lượng khí thải CO2 năm ngoái tăng 1,8%, trong khi GDP toàn cầu là 2,9%. Đây là khoảng cách đáng lo ngại, do tỷ lệ giảm khí thải trên GDP chỉ hơn 1%, tương đương trung bình của 25 năm trước. Số liệu này kém xa mục tiêu là giảm 8% giai đoạn 2020-2030 để trung hòa carbon 2050.
Fitch đánh giá kinh tế toàn cầu đang khử carbon "với tốc độ quá chậm". Dù quá trình này tại các nền kinh tế lớn có tiến triển, thị trường mới nổi gần như không thay đổi.
Khử carbon là thuật ngữ dùng để chỉ việc loại bỏ hoặc giảm lượng khí carbon dioxide (CO2) thải vào khí quyển. Việc khử này được thực hiện bằng cách chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng có hàm lượng carbon thấp.
Báo cáo của Fitch cho biết năm ngoái, khí thải của 10 nền kinh tế phát triển được hãng theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 1970, xuống 4,2%, trong khi GDP tăng 1,8%. Sự cải thiện này có được chủ yếu nhờ tăng hiệu suất sử dụng năng lượng và giảm cường độ phát thải carbon (số gram CO2 tạo ra để sản xuất 1 kWh).
"Xu hướng này cần tăng tốc trên toàn cầu để đáp ứng mục tiêu khử carbon", Fitch nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi lại không có tiến triển. Năm ngoái, lượng CO2 thải ra và GDP của 10 nước mới nổi được Fitch theo dõi tăng 4,7%. Đây là mức tệ nhất trong một thập kỷ.
"Điều này đặc biệt đáng lo ngại, trong bối cảnh GDP và mức độ tiêu thụ nhiên liệu của nhóm này tăng nhanh hơn", Fitch cho biết. Báo cáo lý giải một trong những lý do chính là các dự án công nghệ sạch không được đầu tư đúng mức, trừ Trung Quốc.
Cả hiệu suất sử dụng năng lượng và cường độ phát thải carbon ở các nước này đều chưa được cải thiện. Các nước mới nổi hiện tiêu thụ 64% năng lượng toàn cầu, tăng so với gần 40% năm 2000.
Hà Thu (theo Fitch)