Bê bối tham nhũng tại FIFA ngày càng gia tăng sau những chiến dịch điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, FBI, và Bộ Tư pháp Thụy Sĩ. Có tới 53 trường hợp bị nghi vấn rửa tiền trong nghi án hối lộ trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar, trong số đó đã có 14 người bị giới chức Mỹ và Thụy Sĩ bắt giữ. Một số cựu quan chức của FIFA đã bị cấm tham gia bóng đá nhiều năm hoặc vĩnh viễn.
Gần đây tới lượt chính FIFA phải ra quyết định xử lý đối với một số trường hợp đang trong vòng điều tra cáo buộc tham nhũng và gian lận tài chính. Blatter và Platini đều bị Ủy ban Đạo đức FIFA đình chỉ công tác 90 ngày kể từ hôm 8/10, vì liên quan tới khoản chi trả hai triệu đôla mà không có bất kỳ hợp đồng hay giấy tờ nào để đối chứng. Chủ tịch UEFA Platini khẳng định rằng đó là “khoản thù lao hợp lệ” cho những công việc ông đã làm cho FIFA giai đoạn từ 1999 đến 2002. Nhưng tới tận năm 2011, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter mới thanh toán tiền cho quan chức người Pháp. Hai người khẳng định giữa họ chỉ có thỏa thuận miệng. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng bị đình chỉ công tác trong 90 ngày. Ông này đang bị điều tra tội hưởng lợi bất chính từ việc tiếp tay cho hoạt động bán vé World Cup ra chợ đen.
Đầu tuần này, thêm hai gương mặt đáng chú ý khác của làng bóng đá thế giới bị Ủy ban Đạo đức của FIFA điều tra nội bộ. Đó là huyền thoại bóng đá Đức Beckenbauer, và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha Villar. Cả hai nhân vật này đã từ chối hợp tác với các cuộc điều tra trước đó về quá trình vận động và trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và 2022 cho Qatar.
Beckenbauer, 68 tuổi, từng là một thành viên Ủy ban Điều hành FIFA bỏ phiếu ủng hộ Qatar đăng cai World Cup 2022. Nhưng năm ngoái ông đã tuyên bố rằng Trưởng ban Điều tra của FIFA, Michael Garcia, "không có quyền lực nào" để buộc ông phải trình bày lại về kết quả cuộc bỏ phiếu đã được công bố từ năm 2010.
11 quan chức bị FIFA điều tra: Sepp Blatter, Jerome Valcke, Michel Platini, Angel Maria Villar Llona, Franz Beckenbauer, Worawi Makudi, Jeffrey Webb, Ricardo Teixeira, Amos Adamu, Eugenio Figueredo, Nicolas Leoz |
Beckenbauer còn từng là chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup 2006 của Đức. Chính tuần báo nổi tiếng của Đức, Der Spiegel, gần đây có bài viết với tiêu đề “Bê bối World Cup: Đức dường như đã chi tiền mua quyền làm chủ nhà World Cup 2006”. Nhưng sau đó, Franz Beckenbauer khẳng định với báo giới: ‘Đức không hối lộ để được đăng cai World Cup 2006’
Villar, Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha từ năm 1988, hiện là nhân vật quyền lực số hai ở LĐBĐ châu Âu UEFA, sau Platini. Quan chức này từng dẫn đầu liên minh Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha trong chiến dịch vận động quyền đăng cai World Cup 2018, nhưng thua Nga.
Thứ tư 21/10, FIFA thông báo: "Những gì cần thiết cho việc tiến hành kết luận và xử lý điều tra liên quan đến hai quan chức Villar Llona và Franz Beckenbauer đã được chuyển qua Ban xét xử của Ủy ban Đạo đức". Ban này sẽ quyết định có đình chỉ công tác hay ra án phạt nào không.
FIFA cũng khẳng định đang điều tra một số quan chức khác vì vi phạm quy tắc hoạt động, gồm Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi, Jeffrey Webb, cựu chủ tịch LĐBĐ Brazil Ricardo Teixeira, Amos Adamu, Eugenio Figueredo và Nicolas Leoz. Cả sáu người này đều là cựu thành viên Ủy ban Điều hành FIFA.
FIFA sẽ tiến hành Đại hội Đặc biệt vào ngày 26/2/2016 để bỏ phiếu bầu chủ tịch mới.
Nguyễn Phát