Hôm thứ sáu 16/10, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), sau một cuộc điều tra nội bộ, đã công khai khoản tiền 7,6 triệu đôla mà Ban tổ chức World Cup 2006 từng chi trả cho FIFA hồi tháng 4/2005. Nhưng DFB khẳng định số tiền đó không liên quan tới việc quốc gia này được trao quyền đăng cai World Cup 2006, bởi họ đã chiến thắng Nam Phi trong cuộc bỏ phiếu tại trụ sở của FIFA từ tháng 7/2000. DFB thậm chí còn cho biết muốn thu hồi khoản tiền đã hỗ trợ cho chương trình phát triển văn hóa của FIFA, nhưng bị FIFA chi sai mục đích.
Tuy nhiên, Der Spiegel, tuần báo nổi tiếng của Đức, lại có bài viết với tiêu đề "Bê bối World Cup: Đức dường như đã chi tiền mua quyền làm chủ nhà World Cup 2006". Bài viết còn có đoạn: "Những thông tin mà Spiegel thu thập được cho thấy Ủy ban vận động của Đức dường như đã lập một quỹ đen trong nỗ lực giành quyền tổ chức World Cup 2006. Các quan chức cao cấp, trong đó có người hùng bóng đá quốc gia Franz Beckenbauer, được tin rằng cũng biết về quỹ tiền thiếu minh bạch đó". Spiegel lặp lại nhiều lần các từ kiểu như “dường như”, “có thể” trong bài viết về nghi án bóng đá Đức đã hối lộ để được tổ chức World Cup 2006.
Nhưng khi trả lời hãng tin AFP hôm chủ nhật 18/10, Franz Beckenbauer đã phủ nhận mọi cáo buộc.
“Tôi đã không chuyển tiền cho bất cứ ai để mua phiếu bầu ủng hộ trao quyền tổ chức World Cup 2006 cho Đức", Beckenbauer, chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup 2006, tuyên bố.
Hoàng đế bóng đá Đức còn khẳng định: “Và tôi cũng chắc chắn rằng không thành viên nào khác của ủy ban vận động đăng cai World Cup của Đức đã chi tiền mua phiếu bầu”.
Trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 7/2000, Đức giành quyền đăng cai World Cup 2006 nhờ hơn Nam Phi chỉ một phiếu ủng hộ ở vòng quyết định (12-11), khi đại biểu Charles Dempsey của LĐBĐ New Zealand bỏ phiếu trắng. Nam Phi sau đó được trao quyền tổ chức World Cup 2010.
Đây là lần đầu tiên Beckenbauer, người dẫn đầu ban vận động của Đức và sau đó là chủ tịch ủy ban tổ chức World Cup 2006, đáp lại những cáo buộc nhắm vào chiến dịch giành quyền đăng cai vòng chung kết Cup bóng đá thế giới cách đây chín năm.
Trước đó, hôm thứ bảy 17/10, Chủ tịch LĐBĐ Đức (DFB), ông Wolfgang Niersbach, cũng mạnh mẽ phủ nhận mọi cáo buộc về hối lộ hay quỹ đen trong quá trình vận động trao quyền tổ chức World Cup 2006.
Tạp chí Spiegel tố cáo DFB đã vay gần 8 triệu đôla hồi năm 2000 từ cựu Giám đốc điều hành Adidas, ông Robert Louis-Dreyfus, người đã qua đời. Và các quan chức bóng đá Đức đã dùng số tiền đó để hối lộ, mua phiếu bầu của bốn thành viên châu Á trong Ủy ban Điều hành gồm 24 người của FIFA. Theo Spiegel, DFB sau đó đã chuyển 7,6 triệu đôla vào một tài khoản ngân hàng của FIFA hồi năm 2005 để hoàn trả số tiền đã vay của Louis-Dreyfus khoảng năm năm trước đó.
Nhưng Chủ tịch DFB khẳng định: “Không có quỹ đen nào cả. World Cup 2006 không phải được mua bằng tiền. Tôi khẳng định khoản thanh toán 7,6 triệu đôla cho FIFA hồi năm 2005 không liên quan gì tới quyền tổ chức World Cup 2006. Cuộc điều tra nội bộ của DFB về các hoạt động tài chính chưa kết thúc, nhưng tôi khẳng định loại trừ khoản tiền đó khỏi nghi án tiêu cực".
Những người chịu trách nhiệm cao nhất trong chiến dịch Đức tổ chức World Cup 2006 đều phủ nhận nghi án dùng tiền mua phiếu bầu của một số đại biểu, ủy viên Ban điều hành FIFA. Nhưng truyền thông thế giới vẫn có lý do để nghi ngờ về khoản tiền 7,6 triệu đôla mà các nhà tổ chức World Cup 2006 chi trả cho FIFA, sau hàng loạt bê bối tham nhũng bị phanh phui gần đây có liên quan tới các quan chức hoặc cựu quan chức FIFA.
Thứ ba 20/10, Ủy ban Điều hành FIFA có cuộc họp khẩn cấp tại Zurich, Thụy Sĩ. Hôm 8/10, Ủy ban Đạo đức hoạt động độc lập của FIFA đã quyết định đình chỉ công tác 90 ngày đối với cả Chủ tịch sắp từ nhiệm Sepp Blatter và Chủ tịch UEFA Michel Platini, vì khoản chi trả 2 triệu đôla đang bị điều tra.
Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke cũng bị đình chỉ công tác trong 90 ngày. Ông này đang bị điều tra tội hưởng lợi bất chính từ việc tiếp tay cho hoạt động bán vé World Cup ra chợ đen.
Tỷ phú người Hàn Quốc Chung Mong-joon, cựu phó chủ tịch FIFA, cũng bị Ủy ban Đạo đức FIFA cấm tham gia vào các hoạt động bóng đá trong sáu năm. Ông này tố cáo lại rằng quyết định đó của FIFA là một trò bẩn để ngăn ông tham gia tranh cử chức chủ tịch FIFA vào tháng 2/2016.
Cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner, một thành viên khác của Ủy ban Điều hành FIFA hồi năm 2010, bị cấm hoạt động bóng đá suốt đời. Quan chức này vẫn đang bị FBI điều tra.
FIFA sẽ tiến hành Đại hội bất thường vào ngày 26/2/2016 để bỏ phiếu bầu chủ tịch mới.
Sau chiến dịch của Bộ Tư pháp Mỹ và FBI, gần đây tới lượt Bộ Tư pháp Thụy Sĩ mở rộng điều tra quá trình vận động và trao quyền đăng cai một số kỳ World Cup. Giới chức Thụy Sĩ mới đây thậm chí còn thông báo đã phát hiện 53 trường hợp nghi vấn rửa tiền trong nghi án hối lộ trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar, trong số đó đã có 14 người bị giới chức Mỹ và Thụy Sĩ bắt giữ.
Nguyễn Phát