Trong đó, riêng trong tháng 8, số vốn cấp mới đạt 7,1 tỷ USD, tăng 730 triệu USD so với tháng trước, song không có dự án tăng vốn.
Tính chung trong 8 tháng đầu năm, dù công nghiệp vẫn là lĩnh vực dẫn đầu trong việc thu hút FDI với 3,75 tỷ USD, ngành dịch vụ cũng đang theo sát với số vốn 3,2 tỷ USD. Trong đó, các lĩnh vực khách sạn - du lịch và xây dựng văn phòng căn hộ đang hút mạnh nguồn vốn ngoại.
Tính từ đầu năm, Bà Rịa Vũng Tàu đang là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với trên 1 tỷ USD, kế tiếp là Hà Nội và TP HCM với số vốn lần lượt đạt 859 và 768 triệu USD. Trong khi các dự án tại Hà Nội chủ yếu ở lĩnh vực khách sạn và nhà ở, nguồn vốn vào 2 tỉnh phía Nam phần lớn đổ vào nhiệt điện và luyện thép.
Hiện Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam với 238 dự án trong năm nay với tổng trị giá 1,73 tỷ USD. Đồng thời, tính tổng vốn các nước và lãnh thổ rót vào Việt Nam từ năm 1988 đến nay, xứ sở kim chi cũng đang dẫn đầu với 10,6 tỷ USD, kế tiếp là Singapore, Đài Loan và Nhật.
Tới đây tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc sẽ khởi công cụm công trình trị trá trên 1 tỷ USD tại khu Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 25/8. Tập đoàn Kumho Asiana cũng đang xúc tiến đầu tư 2,5 tỷ USD để xây dựng Trung tâm văn hóa - thương mại Giảng Võ và Triển lãm Mỹ Đình.
Từ năm 1988 đến nay, Việt Nam thu hút tổng cộng 71,47 tỷ USD, trong đó số vốn đã thực hiện đạt trên 43%. Hiện TP HCM vẫn là địa phương thu hút nhiều dự án nước ngoài nhất trong gần 20 năm qua, với 15,2 tỷ USD. Các địa phương nhận được nhiều FDI sau TP HCM là Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương.
N.C.