Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới trong quý một năm nay chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, xây dựng, với 165 dự án, vốn đầu tư khoảng 1,23 tỷ USD. Khu vực dịch vụ 44 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt gần 393 triệu USD. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 6 dự án, với số vốn 5,3 triệu USD. Đáng chú ý trong quý một đã có thêm nhiều dự án FDI lớn của các tập đoàn Brother Industries, Matsushita, Canon.
Cũng theo Cục đầu tư nước ngoài, trong quý I, tổng vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt khoảng 810 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu thô) của các doanh nghiệp trên đạt 2,9 tỷ USD, tăng đến 24% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Các nhà đầu tư nước ngoài đang ngóng trông tín hiệu tích cực từ quá trình đàm phán gia nhập WTO của VN. Ảnh: T.V. |
Đứng đầu cả nước về thú hút vốn FDI trong quý một là TP HCM, với 75 dự án được cấp phép mới. Tổng vốn đăng ký mới đạt trên 700 triệu USD, chiếm 34,9% tổng số dự án và 43% vốn đăng ký của cả nước. Kế đến là Hà Nội, với 26 dự án, tổng vốn đầu tư là 455 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, Mỹ là quốc gia có vốn đầu tư đứng đầu trong 3 tháng đầu năm. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Văn Rê cho biết, thu hút FDI của thành phố năm nay chắc chắn sẽ đạt trên 1 tỷ USD.
Hiện đã có một số dự án đang chuẩn bị trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tổng vốn lên đến hàng trăm triệu USD. Dự án của tập đoàn LG với vốn đầu tư 318 triệu USD đang trong giai đoạn bổ sung một số vấn đề về kỹ thuật, được dự báo có thể hoàn tất trong tháng tới. Dự án Sluid Tech về rác thải của Australia trị giá 105 triệu USD cũng đang trong thời kỳ chờ Bộ Kế hoạch Đầu tư xét duyệt. Dự án cảng Hiệp Phước trị giá 180 triệu USD đang trong thời gian hoàn thành thủ tục. Nếu các dự án trên thực hiện đúng tiến độ và được cấp phép trong năm nay thì 1 tỷ USD là con số nằm trong khả năng của thành phố.
Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bà Nguyễn Thị Bích Vân cho rằng, sự thay đổi của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ ngày 1/7) sẽ tạo ra một mặt bằng pháp lý chung cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, VN cần đảm bảo cung ứng điện, nước, dịch vụ viễn thông, cảng biển... để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững và ở mức cao. "Nếu những vấn đề mới đặt ra được giải quyết tốt thì dòng vốn FDI vào VN sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng. Vốn cấp mới trong năm nay có thể đạt hoặc vượt mức năm 2005. Trong đó, vốn thực hiện sẽ tăng với tốc độ cao hơn năm trước, ướt đạt 3,6 tỷ USD", bà dự báo.
Nguyễn Thùy