Phát biểu tại Hội nghị về 30 năm thu hút FDI của Việt Nam, ông Christopher Malone, Giám đốc điều hành Boston Consulting Group (BCG) ví việc thu hút dòng vốn ngoại như môn thể thao mang tính cạnh tranh, mà các quốc gia như những vận động viên đang nỗ lực giành chiến thắng. Và trong môi trường thể thao này, theo Giám đốc BCG, Việt Nam đang ở thế thắng.
Nói đến tương lai 10 năm tới, ông Christopher cho rằng dòng vốn FDI sẽ chuyển hướng vào những ngành công nghệ cao, những công nghệ mới hướng tới sự sáng tạo như robot, AI...
"Ai sẽ là người thắng thế trong cuộc đua mới? Câu trả lời là những quốc gia có thị trường nội địa lớn, công nghệ sáng tạo sẽ chiến thắng", Giám đốc điều hành BCG nói và cho rằng hệ thống công nghệ Việt Nam đang có những cải thiện gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực thì thực chất môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều. Hai yếu tố theo ông Christopher cần làm ngay là đổi mới sáng tạo và nhanh chóng tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự chuyển giao công nghệ sẽ không chỉ tới với các nhà đầu tư nước ngoài mà cả với những doanh nghiệp nội địa. "Trong cuộc chạy đua đổi mới sáng tạo, chúng ta phải biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của các công ty đa quốc gia", ông Christopher nhận định.
Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Tomaso Andreatta cũng cho rằng hiện có nhiều doanh nghiệp FDI muốn mở rộng kinh doanh. Nhưng để làm được điều đó, Chính phủ cần để Việt Nam hấp dẫn hơn thông qua tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cân bằng và mở cửa thị trường.
"Các doanh nghiệp FDI muốn đến thị trường Việt Nam, nhưng họ cũng cần một nền tảng sản xuất. Nếu không có công nghệ và hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thì sẽ không thu hút được nguồn vốn FDI mới", Đồng chủ tịch VBF nhận định.
Điểm quan trọng, theo chuyên gia này, là Việt Nam cần gỡ bỏ gánh nặng về thủ tục hành chính như thuế và thủ tục hải quan, thanh tra, quyết toán thuế. Việt Nam cũng cần loại bỏ tiền mặt trong thanh toán, lưu giữ các chứng từ thông quan để đảm bảo tính minh bạch, thủ tục hải quan cũng cần có quy định rõ ràng hơn.
Một trong những hạn chế hiện nay, theo đại diện VBF, là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực và kỹ năng. Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn rời khỏi mảng địa ốc, chuyển sang các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Việt Nam cũng cần tích cực tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nông nghiệp, dịch vụ công nghệ, khuyến khích công nghệ mới,...
Là một trong những người nước ngoài đầu tiên chứng kiến sự chuyển mình của kinh tế Việt Nam sau đổi mới, ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) cho rằng: "Vốn FDI đã và đang là cỗ máy giúp Việt Nam phát triển hơn, thương mại kinh tế cởi mở hơn, chính sách kinh tế vĩ mô toàn diện".
Theo chuyên gia này, với môi trường đầu tư, sự cạnh tranh vị trí sản xuất, sự phát triển mạnh mẽ về tầng lớp trung lưu, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn ngoại thời gian tới là điều không hề dễ dàng. Nguyên nhân chính, theo đại diện EuroCham, là sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Thách thức từ điều này sẽ tạo áp lực lên môi trường kinh doanh và chính sách đầu tư của Việt Nam.
Dù vậy, ông Nicolas Audier cho rằng sẽ tích cực hơn nếu tiếp tục chính sách mở cửa thương mại, thay vì xu hướng bảo hộ. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn khi dòng vốn toàn cầu dịch chuyển.
Minh Sơn - Anh Minh