Công nghệ mã hóa của Apple sẽ xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị iOS sau 10 lần nhập sai mã. Do đó, FBI đã nhờ Apple can thiệp để có thể truy cập một chiếc iPhone 5c của tên khủng bố Syed Farook nhưng bị từ chối. Sau nhiều tuần tranh cãi, hai bên quyết định đưa nhau ra tòa phân xử. Tuy nhiên, ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ yêu cầu tòa án hủy phiên tòa và thẩm phán Magistrate Sheri Pym đã chấp thuận.
Động thái này được đánh giá là bước ngoặt kỳ lạ trong cuộc chiến bảo mật dai dẳng giữa FBI và Apple. Phát ngôn viên của Bộ Tư pháp cho biết ngày 20/3, một tổ chức bên ngoài đã gặp gỡ và trình diễn với họ cách để vượt qua cơ chế bảo mật của Apple. Các nhà điều tra đang xem xét giải pháp này và nếu thành công, họ sẽ không cần nhờ vả Apple nữa.
"Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng, do đó đã đề nghị tòa cho thêm thời gian để đánh giá phương án mới. Nếu khả thi, chúng tôi có thể tìm kiếm thông tin trên điện thoại và tiếp tục điều tra về vụ xả súng khiến 14 người thiệt mạng và 22 người bị thương", phát ngôn viên Melanie Newman của Bộ Tư pháp cho hay.
Bộ Tư pháp từ chối tiết lộ "người ngoài" này là ai, như là hacker hay chuyên gia bảo mật...
Trong khi đó, luật sư của Apple cho hay việc hủy bỏ phiên tòa là một thắng lợi của hãng. Tuy nhiên, nếu FBI không thành công, phiên tòa sẽ được mở lại trong hai tuần nữa.
Trong lễ ra mắt sản phẩm ngày 21/3, Tim Cook, CEO Apple, cũng dành thời gian nói về việc FBI đề nghị Apple bẻ khóa iPhone và hãng này đã thề sẽ nỗ lực chống lại những yêu cầu của chính phủ nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Châu An