"Có một số dấu hiệu cho thấy biến chủng Omicron thậm chí có thể ít nghiêm trọng hơn Delta. Khi nhìn vào một số nhóm đang được theo dõi ở Nam Phi, tỷ lệ giữa ca nhập viện trên ca nhiễm dường như thấp hơn so với chủng Delta", Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), đồng thời là cố vấn y tế Nhà Trắng, cho biết hôm 7/12.
Trước đó, tỉnh Gauteng, điểm nóng Covid-19 ở Nam Phi, công bố dữ liệu cho thấy chỉ 8% trường hợp nhập viện vì Covid-19 hiện nay phải điều trị tích cực, thấp hơn nhiều so với mức 23% trong làn sóng lây nhiễm biến chủng Delta. Tỷ lệ bệnh nhân phải dùng máy thở cũng thấp hơn, giảm từ 11% xuống 2%.
Tuy nhiên, Fauci lưu ý không nên phóng đại ý nghĩa dữ liệu này, bởi các nhóm dân số được Nam Phi theo dõi chủ yếu là người trẻ, vốn có nguy cơ nhập viện thấp hơn. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm Omicron cũng có thể mất vài tuần mới trở nặng.
Theo cố vấn y tế Nhà Trắng, "cần thêm ít nhất vài tuần nữa" để kiểm chứng dữ liệu từ Nam Phi. "Sau đó, khi chúng ta ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn trên toàn thế giới, có lẽ còn mất nhiều thời gian hơn để đánh giá mức độ nghiêm trọng của Omicron", ông cho hay.
Fauci đánh giá Omicron "rõ ràng có mức độ lây nhiễm cao", rất có thể hơn Delta, biến chủng đang chiếm ưu thế trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho hay một chủng virus dễ lây lan hơn và ít nghiêm trọng hơn, không làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong, là "tình huống tốt nhất".
"Tình huống xấu nhất là nó không chỉ lây nhiễm dễ dàng mà còn gây bệnh nặng, khiến làn sóng đại dịch mới chưa chắc sẽ suy yếu. Tôi không nghĩ tình huống này sẽ xảy ra, nhưng chưa thể chắc chắn được điều gì", ông nói.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên tại Botswana vào ngày 11/11 và được Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/11. Dù WHO đã xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại, đến nay chưa có dữ liệu chính xác về mức độ lây lan hay độc lực của nó.
Ánh Ngọc (Theo AFP)