"Nếu ai cũng nhiễm loại virus này, ngay cả khi tỷ lệ số ca nhiễm không triệu chứng cao, sẽ có rất nhiều người khác phải chết", tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ kiêm Cố vấn Y tế về Covid-19 cho Nhà Trắng, giải thích về hậu quả của chiến lược "miễn dịch cộng đồng" với Covid-19 trong buổi thảo luận trên mạng xã hội hôm 14/8.
Covid-19 xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 21,3 triệu người nhiễm và hơn 762.000 người chết. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 5,5 triệu ca nhiễm và hơn 171.000 người tử vong.
"Hãy nhìn vào nước Mỹ, nhìn vào đại dịch béo phì, số người huyết áp cao, số lượng người mắc bệnh tiểu đường. Nếu ai cũng nhiễm nCoV thì số người chết sẽ rất lớn và hoàn toàn không thể chấp nhận", Fauci giải thích.
"Miễn dịch cộng đồng" là thuật ngữ để chỉ tình trạng khi 70-90% dân số hồi phục và sản sinh kháng thể với một loại bệnh sau khi nhiễm, hoặc bằng phương pháp tiêm chủng. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng, bệnh ít có khả năng lây sang người khác, những người chưa có miễn dịch, vì không đủ người mang mầm bệnh tiếp cận họ.
Tuy nhiên, khi vaccine Covid-19 chưa được phổ biến, chiến lược đạt "miễn dịch cộng đồng" bằng việc để virus tự lây lan trong dân chúng vẫn gây nhiều tranh cãi, đặc biệt là ở Thụy Điển, quốc gia không áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn đại dịch.
Hiện chưa rõ những người đã nhiễm nCoV và khỏi bệnh có đạt được khả năng miễn dịch lâu dài hay không, dù một số người vẫn cho rằng việc để Covid-19 lây lan trong dân cư có thể giúp đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này lại tăng gánh nặng lên hệ thống y tế, khiến y bác sĩ bị quá tải và nhiều người chết hơn không chỉ vì Covid-19 mà còn vì những bệnh nhiễm trùng khác.
Hồng Hạnh (Theo CNN)