"Điều đó sẽ xảy ra nếu chúng ta không kiểm soát tốt sự lây lan trong cộng đồng. Đó là lý do tôi và các đồng nghiệp luôn nói đi nói lại rằng điều vô cùng quan trọng là chúng ta phải tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt", tiến sĩ Fauci hôm 5/8 cho hay.
Fauci nói rằng Mỹ "rất may mắn" khi có vaccine chống lại các biến chủng, nhưng điều đó có thể trở nên vô nghĩa nếu các biến chủng nghiêm trọng hơn xuất hiện.
"Nếu một biến chủng khác xuất hiện có khả năng lây truyền cao tương đương nhưng nghiêm trọng hơn nhiều, thì chúng ta thực sự có thể gặp rắc rối. Những người không tiêm phòng nhầm tưởng chỉ có họ nguuy cơ nhiễm virus, nhưng không phải, những người khác cũng vậy", Fauci nói thêm. "Việc không tiêm phòng sẽ cho phép virus lưu hành trong cộng đồng".
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, tính đến 4/8, Mỹ ghi nhận trung bình 7 ngày gần 94.000 ca mắc mới, tăng 48% so với một tuần trước. Fauci dự đoán tổng số ca mới có thể lên khoảng 100.000-200.000 khi biến chủng Delta lan rộng.
Sự gia tăng ca Covid-19 gần đây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến những người chưa được tiêm chủng và Fauci cho biết vẫn còn khoảng 93 triệu người đủ điều kiện chưa được tiêm chủng trên toàn quốc.
"Bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người chưa được tiêm chủng bằng cách tiêm chủng cho họ", Fauci cho biết trong cuộc họp tại Nhà Trắng. "Và khi bạn làm như vậy, bạn đã ngăn chặn rất, rất hiệu quả sự phát triển các biến chủng. Nếu chúng ta làm điều đó ngay, chúng ta sẽ xoay chuyển được sự gia tăng ca nhiễm do biến chủng Delta".
Khi được hỏi liệu vaccine có còn ngăn ngừa 99% ca tử vong và 95% ca nhập viện do Covid-19, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết kết luận đó dựa trên dữ liệu từ tháng 1 đến tháng 6 và CDC đang "làm việc để cập nhật số liệu trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan".
Nhiều quan chức tháng trước cũng bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện biến chủng mới. Tiến sĩ Stephen Morse, giáo sư dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cho biết trong một email rằng "chu kỳ của các biến chủng mới tiếp tục lặp lại, chỉ cần virus lây nhiễm sang người và lưu hành trong quần thể, nó sẽ tiếp tục phát triển". "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Delta là biến chủng cuối cùng", Morse cho hay.
Tiến sĩ Barbara Taylor, trưởng khoa và giáo sư bệnh truyền nhiễm tại UT Health San Antonio, nói thêm rằng các biến chủng trong tương lai "có khả năng lây truyền cao hơn" đang có điều kiện phát triển.
"Chỉ cần có sự lây lan dịch bệnh diện rộng ở bất kỳ đâu trên toàn cầu, chúng ta sẽ tiếp tục thấy các biến chủng mới vì chúng ta đang tạo cơ hội cho virus phát triển", Taylor cho biết trong một email.
Theo dữ liệu của CDC, dù số lượng người tiêm chủng thấp hơn nhiều thời gian gần đây, Mỹ vẫn báo cáo trung bình khoảng 677.000 người được tiêm chủng hàng ngày trong tuần qua, tăng 11% so với một tuần trước. Mức tiêm chủng cao nhất được ghi nhận là ba triệu mũi tiêm mỗi ngày vào giữa tháng 4. Tỷ lệ tiêm mũi đầu đã tăng những tuần gần đây, chủ yếu ở các bang dịch bệnh nghiêm trọng và tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 5 cho biết ông muốn 70% dân số đủ điều kiện được tiêm ít nhất một liều vaccine trước ngày 4/7. Dữ liệu của CDC cho thấy Mỹ đạt mục tiêu này hôm 2/8, muộn gần một tháng.
Biến chủng Delta vẫn chưa được chứng minh là gây bệnh nặng hơn các chủng trước đó, nhưng đã được chứng minh có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều. Các nhà dịch tễ học của Đại học Yale phát hiện Delta lây lan nhanh hơn 50% so với biến chủng Alpha. Sự đột biến hơn nữa của virus, được hỗ trợ bởi sự lây nhiễm trong các quần thể chưa được tiêm chủng, có thể thách thức hiệu quả ba loại vaccine được cấp phép ở Mỹ.
Huyền Lê (Theo CNBC, Washington Examiner)