Ngày 3/9, CCTV đăng video nhóm fan bám theo thần tượng khi họ ghi hình chương trình trinh thám ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Để có được hình ảnh rõ nhất về sao, các cô gái mắc kẹt trên núi khi trời tối, phải gọi cảnh sát.
Cảnh sát cho biết fan không thể xuống núi do địa hình hiểm trở, vách núi dốc, cây bụi rậm rạp, liều lĩnh đi xuống có thể gặp nguy hiểm. Đội cứu hộ soi đèn tìm vị trí an toàn, bắc thang cho các cô gái xuống, lúc đó khoảng 21h. Các cô gái đến từ Thượng Hải, Hong Kong, Giang Tô, đều dưới 20 tuổi, nhỏ nhất 16 tuổi. Sau khi nhóm fan này được cứu, vẫn có hàng chục người khác muốn trèo lên để ghi hình sao, được cảnh sát khuyên đi về.
Quản lý họ Chương, làm việc nhiều năm ở ngành giải trí, cho biết đeo bám ghi hình thần tượng là nghề phát triển nhiều năm qua. Mục đích của các tay máy là ghi ảnh nhanh, độc quyền về đời tư, công việc của sao, nhằm thỏa mãn thị hiếu của fan. Các tay máy đăng ảnh trên Internet để thu hút tương tác hoặc bán ảnh cho fanquan (hội nhóm fan), mỗi video hay ảnh hiếm có thể bán được 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng).
Người theo nghề này thường chờ trực ở trường quay Hoành Điếm, khách sạn nghệ sĩ ở, sân bay... để ghi hình. Có những người chuyên tìm góc chụp ở dưới váy nghệ sĩ nữ, nhằm lôi kéo chú ý. Cũng có trường hợp chính nghệ sĩ thuê người chụp ảnh đời tư của họ nhằm tạo danh tiếng. Quản lý Chương cho rằng: "Nếu nghệ sĩ không có người theo đuổi, hâm mộ cuồng nhiệt, chứng tỏ sự nghiệp của người đó không được quan tâm cho lắm".
Trên Bejingnews, cô gái tên Tiểu Bạch cho biết chi hàng nghìn nhân dân tệ mua ảnh thần tượng. Quản lý của fanquan bán ảnh theo gói, từ 300 (một triệu đồng) tới 500 tệ một gói gồm 100 bức ảnh. Nửa đầu năm 2019, sáu quản lý một fanquan của Tiêu Chiến, mỗi người kiếm được 60.000 nhân dân tệ (210 triệu đồng) từ bán ảnh đời tư của nam diễn viên.
A Tinh, một tay máy chuyên bám theo nghệ sĩ, cho rằng công việc của cô bình thường như những nghề khác, không điên rồ như nhiều người bình luận. "Chúng tôi chỉ đợi tin báo về hành trình của nghệ sĩ, chụp xong thì đi, giữ khoảng cách với họ", A Tinh nói. Nhưng luật sư Hàn Kiều phân tích, chụp ảnh người khác để kinh doanh khi chưa được đồng ý là phạm luật, nghệ sĩ có quyền kiện để bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, hiếm có đoàn phim hay nghệ sĩ kiện fan về việc này, họ chỉ kêu gọi fan không đeo bám ghi hình, không chụp ảnh trường quay, làm lộ nội dung phim.
Giới chức đang lên án nhiều hành vi trong văn hóa fanqua như: đeo bám chụp ảnh nghệ sĩ, gây rối trật tự công cộng, quyên tiền nâng danh tiếng cho thần tượng, dành nhiều giờ bình luận, like ảnh cho thần tượng... Trong tháng 8, các cơ quan quản lý ban hành nhiều biện pháp loại bỏ yếu tố được cho gây hại, hạn chế sao lưu lượng (sao có chỉ số truyền thông cao, được fan bỏ phiếu, tương tác nhiều trên Internet), hủy bỏ tất cả bảng xếp hạng nghệ sĩ, cấm show đào tạo thần tượng...
Nghinh Xuân (theo CCTV, Beijingnews)