Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và nhiều bang của Mỹ hôm 9/12 đã gửi đơn kiện Facebook, cáo buộc gã khổng lồ này đã giành vị thế độc quyền trong lĩnh vực mạng xã hội, triệt tiêu các đối thủ tiềm năng, đặc biệt là thông qua hai vụ thâu tóm ứng dụng Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014. Trong đơn kiện, FTC đề nghị tòa án ra phán quyết yêu cầu Facebook thoái vốn ở hai công ty con Instagram và WhatsApp. Đề xuất này đồng nghĩa với việc chia tách Facebook, phá hủy "đế chế" do Mark Zuckerberg xây dựng.
Do phần lớn doanh thu của Facebook đang đến từ Instagram và WhatsApp, việc mất hai nền tảng này đe dọa sẽ xóa bỏ phần lớn giá trị lâu dài của Facebook. Cổ phiếu của công ty này đã giảm 4% kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12.
Dan Ives, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Wedbush Securities, đã gọi thương vụ Facebook thâu tóm Instagram là một trong ba thương vụ mua lại tốt nhất trong 15 năm qua. Ives nhận định: "Những việc chia nhỏ công ty thế này rất đáng sợ đối với các nhà đầu tư, vì nó có thể phá vỡ mô hình kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, cơ hội chia tách được Facebook thực sự rất nhỏ, nếu không có những thay đổi về luật pháp từ phía Quốc hội Mỹ".
Viễn cảnh chia tách Facebook được cho là còn xa, nhưng bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy FTC đang nghiêng về phía bất lợi cho Facebook đều có khả năng ảnh hưởng nặng đến công ty này.
Lý do Facebook mua lại các nền tảng đối thủ có thể là vì họ cho rằng một ngày nào đó chính Facebook sẽ lụi tàn và họ muốn chính mình quyết định ứng dụng nào mọi người sẽ chuyển sang sử dụng tiếp theo. Việc chia nhỏ Facebook sẽ phá hủy hầu hết các bảo hiểm rủi ro mà Zuckerberg nghĩ ra để đối phó với tương lai. Thực tế, những khoản đầu tư của Zuckerberg vào Instagram và WhatsApp đều rất thành công. Để phản đối việc chia tách, Facebook lập luận rằng Instagram và WhatsApp được như ngày này là nhờ những khoản đầu tư của công ty.
"Sau khi mua lại, chúng tôi đã cải thiện đáng kể dịch vụ của Instagram và WhatsApp. Các ứng dụng này cũng nhờ Facebook mà đã tiếp cận được với nhiều người dùng hơn. Chúng tôi đã cạnh tranh hết mình và chúng tôi cạnh tranh hoàn toàn công bằng. Tôi tự hào về điều đó", Mark Zuckerberg viết trong lá thư gửi nhân viên hôm 9/12.
Vậy nếu một ngày Facebook thực sự bị buộc phải chia tách, chuyện gì sẽ xảy ra?
Thương mại điện tử
Trên các nền tảng mạng xã hội của mình, Facebook đang rơi vào tình trạng hết chỗ đặt quảng cáo. Bên cạnh đó, quá nhiều quảng cáo trong News Feed cũng làm giảm trải nghiệm của người dùng. Vì vậy, Facebook đang dựa ngày càng nhiều vào tiềm năng doanh thu của hoạt động mua sắm. Năm nay, nền tảng này đã xây dựng một tính năng cho phép người dùng mua sắm trực tiếp thông qua hình ảnh và video trên Instagram, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trên khắp thế giới sử dụng WhatsApp để giao tiếp với khách hàng.
Facebook đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động thương mại trên mạng xã hội chính của mình bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phải có trang Facebook để chạy quảng cáo Instagram. Nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh cũng đang có kế hoạch kết nối các cuộc trò chuyện trên WhatsApp với hoạt động mua sắm trên Instagram. Nhưng nếu trong trường hợp không còn hai nền tảng hỗ trợ nữa, con đường trở thành một gã khổng lồ thương mại điện tử của Facebook sẽ gian nan hơn rất nhiều.
Tăng trưởng doanh thu
Số lượng người dùng của Facebook bắt đầu chững lại ở một số thị trường có giá trị nhất. Công ty cũng được cảnh báo rằng không gian quảng cáo chính của News Feed đang đạt đến mức bão hòa. Điều đó có nghĩa là sự tăng trưởng doanh thu gần đây của công ty chủ yếu được thúc đẩy bởi Instagram. Theo báo cáo của Bloomberg, ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video đã thu về khoảng 20 tỷ USD doanh thu vào năm 2019, chiếm khoảng 29% tổng doanh số bán quảng cáo trên Facebook năm ngoái. Công ty nghiên cứu eMarketer ước tính doanh thu năm 2020 của Instagram sẽ đạt 28,1 tỷ USD, tương đương khoảng 37% tổng doanh thu quảng cáo của Facebook.
Trong khi đó, WhatsApp hầu như không kiếm được tiền cho mạng xã hội này, nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi khi Facebook đầu tư vào các công cụ thanh toán, thương mại và dịch vụ khách hàng cho hơn 2 tỷ người dùng của ứng dụng nhắn tin.
Thị trường quốc tế
Cả WhatsApp và Instagram đều rất quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Facebook, mang lại cho công ty chỗ đứng vững chắc tại các thị trường đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Brazil. Ở một số quốc gia, WhatsApp và Instagram đang vượt xa công ty mẹ về số lượng người dùng. Ví dụ, ở Ấn Độ, theo eMarketer, số lượng người dùng của Facebook thấp hơn của WhatsApp tới 100 triệu người. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới Facebook, vốn vẫn coi Ấn Độ "mảnh đất màu mỡ" tiếp theo cần tập trung khai phá trước các đối thủ Trung Quốc. Tại Nhật Bản, Instagram cũng có nhiều hơn 70% người dùng so với nền tảng chính.
Trong khi Facebook vẫn là mạng xã hội lớn nhất trên thế giới, Instagram và WhatsApp mang lại cho nền tảng chính một dấu ấn lớn hơn nhiều so với việc đứng độc lập. Việc mất các ứng dụng đó sẽ làm giảm đáng kể tổng số người dùng của Facebook, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của hãng.
Phân khúc người dùng trẻ
Mọi người đều sử dụng Facebook. Thực ra chính xác phải là tất cả mọi người, trừ các bạn tuổi "teen". Theo một khảo sát vào năm 2018 của Pew Research, chỉ 51% thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi có sử dụng Facebook, giảm mạnh so với 71% một vài năm trước đó. Trong khi đó, Instagram được 72% thanh thiếu niên Mỹ sử dụng.
Facebook không còn phổ biến như trước đây với thế hệ người dùng Internet trẻ tuổi. Instagram là vũ khí bí mật của công ty để ngăn chặn Snapchat và cuối cùng đã chứng minh có thể là "bức tường thành" chống lại TikTok. Nếu không có Instagram trong thời gian đầu, Facebook chắc chắn phải chật vật xây dựng các sản phẩm của riêng mình để thu hút nhóm người dùng Internet trẻ.
Uy tín
Trong khi Facebook liên tục nhận về chỉ trích do các vụ bê bối về vi phạm quyền riêng tư, thông tin sai lệch hay can thiệp bầu cử, ngày càng nhiều người quyết định bỏ Facebook và chuyển sang Instagram hay WhatsApp. Mặc dù tất cả đều thuộc cùng một công ty, Facebook hiểu rằng "những thành viên mới" có danh tiếng tốt hơn với mạng xã hội chính. Công ty gần đây đã gắn thương hiệu Facebook lên các thành viên khác trong nền tảng của mình như một nỗ lực nhằm lấy lại cảm xúc tích cực từ người dùng. Chẳng hạn, Instagram hiện được gọi là "Instagram from Facebook".
WhatsApp + Instagram
Facebook sẽ không phải là công ty duy nhất gặp khó khăn nếu cuối cùng phải thoái vốn khỏi hai công ty con tiềm năng. Ứng dụng WhatsApp suốt sáu năm qua không cần tập trung vào việc tạo ra doanh thu mà là chỉ lo tăng trưởng về người dùng và độ tin cậy. Nó có được sự tự do như vậy là nhờ vào hoạt động kinh doanh quảng cáo mạnh mẽ của Facebook. WhatsApp đang xây dựng hoạt động kinh doanh, nhưng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ thành công. Và nếu không có túi tiền "không đáy" của Facebook, WhatsApp sẽ chịu áp lực lớn trong việc kiếm tiền.
Trong khi đó, Instagram phụ thuộc vào Facebook trong nhiều hoạt động, bao gồm công nghệ hỗ trợ quảng cáo và kiểm duyệt nội dung. Dữ liệu người dùng của Instagram có thể xây dựng được một nền tảng quảng cáo hoàn toàn mới, nhưng việc không thể truy cập vào hồ sơ Facebook của người dùng có thể khiến quảng cáo trên ứng dụng ít chính xác hơn.
Ứng dụng chia sẻ ảnh cũng phụ thuộc rất nhiều vào các công cụ giám sát nội dung tự động của Facebook để nhăn chặn phát tán những nội dung khủng bố, lời nói thù địch, phân biệt chủng tộc. Hệ thống này đã được Facebook đầu tư hàng tỷ USD để phát triển và duy trì. Một Instagram độc lập cũng phải tự xây dựng những công cụ này.
Đăng Thiên (theo Bloomberg)