Trong phiên điều trần tuần trước, CEO Facebook Mark Zuckerberg bác bỏ nhận định rằng mạng xã hội này đang có vị thế quá thống trị. Để củng cố điều này, anh liệt kê một loạt tên đối thủ. Gần như toàn bộ danh sách là các đại gia công nghệ đang cùng Zuckerberg tham gia phiên điều trần về chống độc quyền của Quốc hội Mỹ.
Dù vậy, trong đó có một cái tên có thể được coi là mối đe dọa thực sự với Facebook. Đó không phải Amazon, Apple hay Google. "Ứng dụng tăng trưởng nhanh nhất", Zuckerberg cho biết khi mở đầu bài phát biểu, "là TikTok".
Chỉ trong một thời gian ngắn, TikTok có được 100 triệu người dùng tại Mỹ. Phần lớn số này là người trẻ - nhóm khách hàng được các doanh nghiệp ưa thích. TikTok cũng sản sinh ra thế hệ ngôi sao mạng xã hội mới và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa.
Dù vậy, điều này có thể không kéo dài lâu. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cấm ứng dụng video ngắn hoạt động tại Mỹ. Chính quyền Mỹ trước đó đã lặp lại điều này nhiều lần khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng.
Tranh cãi về TikTok nằm ở việc công ty mẹ - ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc. Điều này khiến giới chức Mỹ lo ngại chính phủ Trung Quốc sử dụng ứng dụng này để lấy dữ liệu về công dân Mỹ. Dù vậy, TikTok đến nay vẫn phủ nhận điều này.
Giới phân tích cho rằng nếu cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, Trump sẽ chỉ khiến các đại gia công nghệ, đặc biệt là Facebook và Google, thêm thống trị. Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Quốc hội nước này ngày càng chịu sức ép về việc phải kiềm chế quyền lực và tầm ảnh hưởng của Thung lũng Silicon. Lãnh đạo các hãng công nghệ lớn của Mỹ đã nhiều lần phải ra điều trần trước Quốc hội vì những cáo buộc này.
Chính Tổng thống Trump cũng nhiều lần chỉ trích các hãng công nghệ lớn, cáo buộc Google làm sai lệch kết quả tìm kiếm, Amazon trốn thuế, Twitter và các mạng xã hội "bịt miệng" tiếng nói của phe bảo thủ. Trước phiên điều trần tuần trước, ông còn tuyên bố nếu Quốc hội Mỹ không "tạo ra được sự công bằng", ông sẽ dùng đến sắc lệnh Tổng thống.
Trong khi đó, TikTok được đánh giá là dịch vụ truyền thông xã hội duy nhất trong vài năm gần đây tạo ra được rủi ro thực sự với các nền tảng lớn đã thống trị thị trường nhiều năm. Bản thân ByteDance trước nay cũng cố tránh việc bán TikTok tại Mỹ, do họ tin rằng ứng dụng này có thể đe dọa người dùng và doanh thu quảng cáo của Facebook. Hãng dự báo doanh thu TikTok năm nay đạt 1 tỷ USD và năm sau đạt 6 tỷ USD.
Nhận ra mối đe dọa từ TikTok, cả Facebook và Google đều đã đưa ra sản phẩm tương tự. Hồi tháng 6, YouTube (thuộc Google) bắt đầu thử nghiệm tính năng video 15 giây. Tháng trước, Instagram của Facebook cũng thông báo sản phẩm tương tự TikTok sẽ ra mắt trên toàn cầu.
TikTok cũng ý thức được điều này. "Với những người muốn đưa ra sản phẩm cạnh tranh, chúng tôi muốn nói với họ rằng cứ làm đi. Facebook thậm chí còn công bố Reels sau khi sản phẩm copy trước đó của họ là Lasso thất bại nhanh chóng", Kevin Mayer - CEO mới của TikTok cho biết trên trang cá nhân tuần trước, "Tuy nhiên, hãy tập trung năng lượng của chúng ta vào việc cạnh tranh công bằng, cởi mở trong việc phục vụ người tiêu dùng, thay vì nghe những lời nói xấu từ đối thủ".
Nếu chính quyền Trump cấm TikTok, sự cạnh tranh trên thị trường - vốn đã bị chỉ trích vì quá thấp - sẽ càng thấp hơn nữa. Và các mạng xã hội mà Trump phàn nàn, như Facebook hay Twitter, sẽ chỉ càng mạnh lên. Bên cạnh đó, kể cả nếu ứng dụng này không bị cấm tại Mỹ, mà đạt thỏa thuận bán cho Microsoft, nó cũng lại thuộc về một đại gia công nghệ khác mà thôi.
Hà Thu (theo CNN)