Tuần này, Washington Post công bố kết quả khảo sát với sự tham gia của hơn 1.000 người dùng Internet về mức độ tin tưởng của họ đối với các công ty công nghệ lớn và các dịch vụ online phổ biến trong việc xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng.
Ở mức độ không đáng tin (xanh đậm), Facebook xếp đầu với tỷ lệ bình chọn tiêu cực 72%, tiếp đến là Tiktok 63%. Hai dịch vụ khác của Facebook là Instagram và Whatsapp cũng góp mặt ở vị trí thứ ba và thứ tư.
Trong khi đó, những công ty nhận được sự tin tưởng của người dùng Internet cao nhất (xanh nhạt) là Amazon 53%, Google 48% và Apple 44%.
Đầu tháng 12, Yahoo Finance cũng thực hiện khảo sát về công ty tệ nhất năm 2021 với hơn 1.400 người tham gia. Facebook nhanh chóng nhận vị trí số một với lượt bình chọn nhiều gấp rưỡi công ty ở vị trí thứ hai là Alibaba. Mạng xã hội lớn nhất thế giới bị chỉ trích về quyền riêng tư, không giới hạn kiểm duyệt hay tác động của Instargram đối với sức khoẻ tâm thần.
Những năm qua, Facebook đối mặt với hàng loạt rắc rối, như vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica năm 2018 từng khiến họ phải nộp phạt 5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều vấn đề của Facebook bị cựu nhân viên Frances Haugen phơi bày trong năm nay khiến danh tiếng của công ty bị tổn hại nặng nề.
Tài liệu nội bộ Haugen cung cấp cho giới truyền thông Mỹ cho thấy Facebook biết rõ tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng vẫn phớt lờ để kiếm lời. Hay trong cuộc bạo loạn Capitol Hill (Mỹ) ngày 6/1, Facebook và Instagram "đóng vai trò như loa phát thanh cho kẻ quá khích, với nội dung bạo lực được đăng vào chiều nhiều gấp 10 lần so với buổi sáng hôm đó".
Theo CNN, lòng tin của công chúng đối với Facebook đang suy giảm rất nhanh. Tương lai của mạng xã hội này sẽ tuỳ thuộc vào việc họ thay đổi ra sao sau tiết lộ của cựu nhân viên, như sẽ đồng ý hợp tác minh bạch đúng như các cơ quan quản lý và cộng đồng kêu gọi, hay lại tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường dưới tên mới là Meta.
Huy Đức