Theo số liệu của Sở Y tế TP HCM, trong khi tỷ lệ dương tính ở vùng xanh, cận xanh, vàng xu hướng tăng, thì tỷ lệ này ở vùng đỏ và cam đang giảm dần.
Ngày 15/9 xét nghiệm nhanh kháng nguyên 344.649 người tại vùng cam, đỏ, ghi nhận 3.912 người dương tính, tỷ lệ 1,1%. Những ngày trước đó, tỷ lệ này đạt khoảng 1,3%, giảm nhiều so với tuần cuối tháng 8. Đợt TP HCM triển khai xét nghiệm diện rộng từ ngày 23 đến 29/8, tỷ lệ dương tính ở vùng cam, đỏ là 3,6% và trong đợt hai (30/8 đến 5/9) giảm còn 2,7%.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã lấy khoảng 1,95 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó phát hiện hơn 320.000 ca dương tính (đa số cộng đồng), chiếm hơn 16%.
Chiến lược xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố được triển khai cao điểm từ ngày 23/8 - khi siết chặt giãn cách. Theo đó, toàn bộ người dân ở các "vùng cam và đỏ" (nguy cơ cao và rất cao) được test nhanh, người dân ở "vùng xanh và vàng" (nguy cơ thấp) lấy mẫu gộp 10 hoặc 5 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
Họp báo chiều 16/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam giải thích số ca nhiễm tăng, dao động 4.000-6.000 mỗi ngày, dù giãn cách kéo dài là do chiến lược "thần tốc" xét nghiệm. Trong đó, nhiều vùng nguy cơ cao đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã xét nghiệm 3-4 vòng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ tỷ lệ dương tính vùng xanh cao là do dịch đã xâm nhập vào cộng đồng từ rất lâu, F0 có mặt khắp mọi nơi và định nghĩa vùng chưa đúng.
Bác sĩ Lương Trường Sơn (nguyên Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM), cho rằng tất cả quận huyện đều có rất nhiều ca nhiễm, F0 cộng đồng ở khắp nơi - là một trong những nguyên nhân khiến "vùng xanh", "vùng vàng" dù đã được xét nghiệm nhiều lần vẫn còn ca nhiễm, thậm chí tăng. Thế nên nhiều khu vực đang được gọi là "vùng xanh" nhưng thực tế là "ngoài xanh, trong đỏ".
Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng, nhiều vùng được định nghĩa là "xanh" trước khi chưa xét nghiệm "vét" F0, nên giờ xét nghiệm ở đây thì phát hiện nhiều ca nhiễm. "Thực tế này cho thấy, người dân vùng xanh nếu chủ quan, tự do sinh hoạt, không tuân thủ giãn cách thì rất dễ lây nhiễm và sẽ trở thành vùng đỏ", bác sĩ Khanh nói.
Về chiến lược phủ vaccine, giảm tải khối điều trị TP HCM đang tiến hành, bác sĩ Khanh cho rằng công tác xét nghiệm để tách F0 ra vẫn cần thiết trong khi thành phố còn đang giãn cách và chưa chích ngừa đủ cho nhóm nguy cơ. Bởi nếu không tách kịp thời F0 thì dịch sẽ tấn công nhóm nguy cơ, từ đó làm quá tải khối điều trị. "Chỉ khi hơn 80% nhóm nguy cơ được tiêm đủ vaccine thành phố mới yên tâm mở cửa trở lại", bác sĩ Khanh nói.
Hiện, khoảng 970.000 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vaccine, song chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ % trên tổng số nhóm này.
Thời gian gần đây, công tác phòng chống Covid-19 của TP HCM được đánh giá là đạt được một số kết quả tích cực như: giãn cách nghiêm, tỷ lệ "vùng đỏ" được thu hẹp, F0 được tiếp cận thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời, độ phủ vaccine tăng nhanh từng ngày. Ngày 15/9, thành phố ghi nhận 160 ca tử vong, thấp nhất trong gần một tháng qua, tính từ ngày 22/8 - trước thời điểm thành phố thực hiện tăng cường giãn cách.