Số lượng nhân viên mắc Covid-19 hoặc F1 phải cách ly tăng chóng mặt trong khoảng một tuần nay khiến ban giám hiệu và giáo viên Tiểu học Kim Nỗ đối diện "áp lực chưa từng có".
Đến 23/2, trường Kim Nỗ có 21 giáo viên và nhân viên F0 trong tổng số 70 người. Trong 1.934 học sinh, gần 200 em F0, trên 400 F1, rải rác khắp các khối lớp. Trường thực hiện phương án, lớp nào có giáo viên là F0 và tỷ lệ học sinh F0, F1 trên 60% sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Hôm qua, chỉ bảy trên 39 lớp đủ điều kiện học trực tiếp.
Trong tình trạng phần lớn các lớp đều có F0, F1, trường còn gặp khó khăn vì thiếu thiết bị để dạy song song hai phương thức. Bà Sinh cho biết trong giờ học, cô giáo sẽ sử dụng một máy tính cá nhân để trình chiếu slide bài giảng, thiết bị còn lại dùng để livestream cho những em ở nhà.
Học sinh lớp 1 mới đến trường nên ban phụ huynh dù đã kêu gọi vẫn chưa kịp hỗ trợ, đầu tư thiết bị tại lớp. "Chúng tôi mượn tạm máy tính hoặc điện thoại còn dùng được của lớp 5 đã chuyển cấp. Lớp nào vẫn thiếu thì giáo viên đành dạy trực tuyến vào chiều hoặc tối cho những em ở nhà, nghĩa là khối lượng công việc tăng lên nhiều lần", bà Sinh cho hay.
Hàng ngày, bà Sinh nhận nhiều cuộc gọi, kiến nghị của phụ huynh các lớp về việc cho các em trở lại học trực tuyến hoàn toàn để tránh dịch. Nhiều người khai báo con mình là F1 để không phải đến trường, dù thực tế con không thuộc diện F. Hiệu trưởng trường Kim Nỗ bày tỏ sự thông cảm trước lo lắng của các bố mẹ, nhất là khi số ca nhiễm tại Hà Nội có lúc đã gần 7.000 ca một ngày. Tuy nhiên, việc đi học trực tiếp được thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, trường chỉ có thể ghi nhận ý kiến và báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đang là F0 điều trị tại nhà, nhưng bà Sinh "không dám ngơi việc". Hàng ngày, ngoài dạy và học, trường phải thống kê số lượng học sinh, giáo viên F0, F1, liên tục điều chỉnh hình thức học cho những lớp có tỷ lệ lây nhiễm cao. Một số đầu việc được hai hiệu phó hỗ trợ, nhưng đa số bà Sinh vẫn phải trực tiếp chỉ đạo và báo cáo cấp trên.
Hiệu trưởng một trường THCS ở sát khu vực nội thành cũng chia sẻ "mệt mỏi kinh khủng" khi số ca nhiễm trong trường liên tục tăng. Lượng học sinh diện F0, F1 tăng từng ngày, một phần ba số giáo viên đã nhiễm virus. Văn phòng trường tê liệt do không còn ai đủ điều kiện đi làm, khiến hiệu trưởng vừa phải quản lý, vừa giảng dạy và còn phải kiêm thêm cả công việc văn thư.
Dù đã trang bị camera chuyên dụng ở một số phòng học để dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, giúp học sinh F0, F1 ở nhà vẫn có thể theo dõi bài giảng, hiệu trưởng này không ngờ số học sinh phải ở nhà hiện quá nhiều. Mô hình dạy kết hợp khó đảm bảo được chất lượng.
"Nếu học trực tuyến 100%, giáo viên còn theo dõi được các em đầy đủ thông qua yêu cầu bật camera, mic. Còn học như hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của các em, giáo viên khó lòng đảm bảo", vị này nói.
Tại Tiểu học, THCS, THPT Kinh Đô (huyện Đông Anh), từ thứ sáu tuần trước, nhà trường phải thống nhất với phụ huynh cho toàn bộ hơn 100 học sinh khối Tiểu học và THCS chuyển sang trực tuyến do rét đậm cộng với số em diện F0, F1 tăng cao, có lớp chỉ còn vài học sinh đủ điều kiện học trực tiếp.
Với khối THPT, trường cũng gặp khó khăn khi một phần ba giáo viên thành F0, F1; hai lớp có tới 50% sĩ số phải cách ly y tế; lớp nào cũng có em phải học online. Trường phải cho các lớp có 50% học sinh là F0, F1 chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn sau khi được sự thống nhất của ban đại diện phụ huynh. Các lớp còn lại học trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Với gần 200 học sinh F0, 600 F1, chiếm trên 43% tổng số học sinh, THPT Yên Hoà (quận Cầu Giấy) cũng phải tự ra quy định lớp nào trên 50% học sinh là F0, F1 sẽ chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn, các lớp còn lại vẫn học song song.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng, cho hay một số giáo viên ngại dạy "hai trong một" đã cố tình nâng số học sinh F1 để lớp được học trực tuyến. "Chúng tôi phải kiểm tra và yêu cầu giáo viên báo số liệu chính xác, áp dụng hình thức học tương ứng để đảm bảo quyền lợi học sinh", bà Nhiếp nói.
Khi số ca F0, F1 trong trường tăng cao, nhiều hiệu trưởng cho rằng chủ trương "bình thường hoá" hoạt động dạy và học là cần thiết nhưng cần linh hoạt ở thời điểm này.
Ông Hoàng Hữu Niềm, Hiệu trưởng trường Kinh Đô, huyện Đông Anh, cho biết ngay cả khi biết phụ huynh báo con là F1 sai thực tế, trường vẫn chấp nhận tôn trọng ý kiến của họ, vì thấu hiểu sự lo lắng của các bậc cha mẹ. Mặt khác, trường cũng không thể làm cách nào khác bởi rất khó xác minh từng trường hợp.
"Tôi chỉ đạo thầy cô trong trường không đánh giá ý thức học sinh mà chỉ động viên các em đi học trực tiếp và đẩy mạnh tuyên truyền, làm công tác tư tưởng với phụ huynh rằng học tập trực tiếp hiệu quả hơn học online kéo dài", ông Niềm nói và cho biết trong thời gian tới, dựa trên tình hình thực tế, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch bù đắp kiến thức giai đoạn này cho học sinh.
Trả lời câu hỏi có nên trở về học trực tuyến hoàn toàn như những tháng đầu năm học không, Hiệu trưởng một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội cho rằng nên linh hoạt, tùy vào điều kiện, tình hình cụ thể của từng trường. Có thể không quay lại học trực tuyến 100% nhưng thành phố cần có quy định cụ thể.
Ví dụ ở thành phố Thanh Hoá (tỉnh Thanh Hoá), UBND thành phố đưa ra tiêu chí để nhà trường quyết định có chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến không. Với bậc mầm non và tiểu học, nếu mỗi lớp có dưới 10 học sinh là F0 thì vẫn học trực tiếp, từ 10 F0 trở lên sẽ chuyển sang trực tuyến. Với THCS và THPT, lớp học chỉ chuyển sang trực tuyến khi một phần ba số học sinh trong lớp là F0.
"Nếu Hà Nội cũng có những quy định rõ ràng như vậy, chúng tôi sẽ dễ dàng ra quyết định hơn", cô hiệu trưởng nói.
Dương Tâm - Thanh Hằng