Động thái này được EVN đưa ra sau khi xảy ra hàng loạt sai sót trong cách ghi, tính tiền điện. Theo đó, khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập, hệ thống không cho xác nhận chỉ số để tính và lập hoá đơn.
Để lập hoá đơn, lãnh đạo công ty điện lực kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử sau khi kiểm tra. Các đơn vị thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng, giảm bất thường theo các ngưỡng thiết lập (ví dụ 3 lần, 4 lần, ... 10 lần) và gửi email, tin nhắn tới các vị trí quản lý từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc và các phòng, ban...
Các trường hợp phản ánh về Trung tâm Chăm sóc khách hàng vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính sẽ được chuyển tới lãnh đạo đơn vụ điện lực và xử lý kịp thời qua email, SMS, Zalo...
Theo EVN, hiện các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện tự động, từ xa. Còn các công tơ cơ, việc thu thập dữ liệu thực hiện bằng phần mềm trên máy tính bảng. Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ.
EVN cũng thông tin thêm, theo quy trình ghi chỉ số công tơ điện thực hiện từ năm 2017 đến nay, khách hàng sử dụng điện trung bình dưới 15 kWh một tháng có thể thỏa thuận với điện lực về thời gian ghi chỉ số công tơ, nhưng không được vượt quá 3 tháng một lần.
Nếu công tơ đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng, sau 2 lần nhân viên đến không ghi được chỉ số, EVN cho phép tạm tính điện năng tiêu thụ bằng tháng trước hoặc chỉ số công tơ do khách hàng tự báo, nhưng không quá 2 chu kỳ ghi chỉ số liền kề. Nếu việc ghi được chỉ số công tơ không thực hiện được từ 3 chu kỳ trở lên cần thoả thuận với khách hàng chuyển vị trí lắp đặt công tơ ra vị trí dễ cho việc ghi chỉ số.
Với công tơ điện tử đo đếm dữ liệu tự động, bộ phận ghi chỉ số thực hiện thu thập, theo dõi, kiểm tra kết quả số liệu trên hệ thống phần mềm đo đếm và hệ thống quản lý dữ liệu đo đếm công tơ. Trường hợp không thu thập được số liệu, cần phải khắc phục trong tối đa 48 giờ.
Trước đó, nhiều khách hàng sử dụng điện phản ánh tình trạng hoá đơn tiền điện tháng 6 'nhảy' vọt. EVN sau đó đã lập đoàn kiểm tra, làm việc tại các tổng công ty, điện lực địa phương để xác minh tiền điện tăng, và rà soát quy trình kinh doanh.
Kết quả kiểm tra ghi chỉ số, lập hoá đơn tiền điện tại Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho thấy, từ 1-22/6, trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNHANOI nhận gần 62.000 yêu cầu, trong đó 3.500 phản ánh, khiếu nại liên quan đến chỉ số điện, hoá đơn tăng 4,6 lần so với tháng 5.
Còn tại Điện lực Vĩnh Phúc, trong tháng 5 và 6 phát hiện 15 trường hợp ghi sai chỉ số công tơ, trong đó 7 trường hợp phát hiện do khách hàng khiếu nại, phản ánh qua trung tâm chăm sóc khách hàng và 8 trường hợp ngành điện phát hiện trong quá trình rà soát lại chỉ số ghi. Sau rà soát, kiểm tra, điện lực Vĩnh Phúc truy thu 3 trường hợp và thoái hoàn 4 trường hợp cho khách hàng.
Tuần này, đoàn kiểm tra của EVN sẽ tiếp tục làm việc tới Tổng công ty Điện miền Bắc, miền Trung, miền Nam và TP HCM về công tác ghi, đo đếm công tơ, lập hóa đơn tiền điện...
Anh Minh