Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo sau khi nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về việc trồng rừng đã mất để lấy đất cho các dự án thủy điện từ năm 2013 đến nay, tính từ khi cơ quan quyền lực có nghị quyết về vấn đề này.
Theo EVN, ngoài việc mỗi năm phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng trồng bù rừng thay thế, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn còn phải nộp trên 6.000 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2013 EVN nộp gần 1.150 tỷ và tăng thêm 50 tỷ vào năm 2014. Riêng 10 tháng đầu năm nay, tập đoàn đã nộp hơn 4.050 tỷ đồng.
Đối với việc trồng bù rừng thay thế, tính đến hết tháng 10/2015, EVN đã thực hiện xong việc rà soát, lập phương án, báo cáo và đã được UBND các tỉnh phê duyệt trồng bù rừng thay thế của 18/18 dự án thủy điện trong cả nước với tổng diện tích khoảng 12.900ha, chiếm khoảng 40% cả nước. Trong đó, đã có 3 dự án thủy điện ở khu vực miền Trung gồm A Vương, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah hoàn thành xong việc trồng bù rừng và được cấp chứng nhận. 15 dự án đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và hoàn thành việc chuyển tiền theo cam kết với địa phương để địa phương trồng và chăm sóc.
Đại diện EVN thừa nhận, từ năm 2013 trở về trước việc trồng bù rừng thay thế chậm triển khai là do những vướng mắc khách quan như: chưa có hướng dẫn, quy định thống nhất đối với các dự án đã thực hiện trước thời điểm hiệu lực của Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Ngoài ra, phương án trồng bù chậm được phê duyệt do chưa thống nhất được đơn giá; thời gian, chi phí chăm sóc bảo vệ, loại cây, diện tích trồng bù đối với diện tích rừng sản xuất đã được chủ đầu tư đền bù đất và tài sản trên đất...
Tại phiên chất vấn ngày 16/11 vừa qua, nhiều đại biểu đã bức xúc vì diện tích rừng trồng bù tại nhiều địa phương đã không được thực hiện. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tính đến năm 2015 có gần 29.000 ha rừng đã mất do nhường đất cho các dự án thủy điện. Trong khi con số này của Bộ Nông nghiệp cao hơn gần 3.000 ha.
Chí Hiếu