Là thành viên Chính phủ nhận được nhiều câu hỏi nhất khi Quốc hội bước vào ngày chất vấn đầu tiên (16/11), Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng đã nhiều lần đứng dậy trong suốt 2 phiên thảo luận để trả lời đại biểu xung quanh những nội dung lớn, bao gồm chính sách phát phát triển công nghiệp hỗ trợ, hệ lụy của các dự án thủy điện hay quản lý thị trường.
Thừa nhận những thành tích của ngành Công Thương, nhất là trong việc đàm phán các hiệp định hợp tác quốc tế, nhưng đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá riêng công việc quản lý thị trường, cơ quan này đã "yếu kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay".
“Bộ trưởng cứ nói quyết liệt, quyết liệt nhưng mọi việc vẫn như cũ”, ông nhận xét. Trước đó vị đại biểu này cũng bày tỏ sự bất an về chuyện bổ nhiệm cán bộ "đúng quy trình", nhưng lại bị dính líu đến pháp luật sau một thời gian ngắn như tại Tập đoàn Dầu khí. “Chúng ta cứ nói đúng quy trình nhưng cử tri hoang mang lắm”, ông Thuyền nói.
Trả lời về câu chuyện quản lý thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng chia sẻ đây là vấn đề bức xúc suốt nhiều năm. "Cá nhân tôi xin thừa nhận là dù đã cố gắng nhưng làm chưa được nhiều, nhất là với hàng giả hàng kém chất lượng. Dù năm sau, số vụ xử lý về quy mô, giá trị đều tăng nhưng tình hình thay đổi không đáng kể”, ông Hoàng nói và xin nhận khuyết điểm trước Quốc hội.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu vị trưởng ngành Công Thương phải nhận trách nhiệm cá nhân về vấn đề này. Trong một buổi đối thoại trực tuyến đầu năm 2012, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng từng thừa nhận để xảy ra tình trạng một số cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng có phần lỗi của cơ quan này.
Gần đây nhất, cũng tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2014, ông Hoàng cũng nhận trách nhiệm trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu. Trong phiên trả lời chất vấn sau đó, vị này cho rằng một phần nguyên nhân đến từ những vấn đề phức tạp nảy sinh khi hội nhập, trong khi lực lượng quản lý thị trường còn thiếu công cụ, phương tiện nên hiệu quả không cao. "Thậm chí một số cán bộ phải dùng miệng để thử phân bón giả", Bộ trưởng khi ấy cho biết.
Tại phiên chất vấn hôm nay, một vấn đề khác của ngành Công Thương cũng được Quốc hội quan tâm là chính sách với công nghiệp hỗ trợ. “Doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước, nhất là xe con cỡ nhỏ không cạnh tranh được, có nguy cơ đóng cửa do thiếu chính sách hỗ trợ”, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) trăn trở.
Cho biết tỷ lệ nội địa hóa với một số sản phẩm xe tải hiện đã ở mức cao (lên đến 85%) song với phân khúc ôtô con dưới 9 chỗ ngồi, ông Vũ Huy Hoàng thừa nhận tỷ lệ này này mới đạt 10-15%. Tuy nhiên, với việc đẩy nhanh các chính sách công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua, đặc biệt là nghị định ra đời cách đây 2 tuần, Bộ trưởng kỳ vọng công nghiệp hỗ trợ đã có những tiền đề cần thiết để phát triển trong thời gian tới.
Trước đó, đại biểu Phú Yên – Nguyễn Thái Học nhắc lại câu chuyện tái nghèo của người dân nhường đất cho thủy điện, vốn được ông chất vấn Bộ trưởng Hoàng trong 5 kỳ họp liên tiếp. Đáp lại, vị trưởng ngành dẫn ra một số quy định, dự án, cho biết ngành điện đã thực hiện nghiêm túc chính sách tái định cư và đều báo cáo kết quả với Quốc hội. Câu chuyện này không được đại biểu Nguyễn Thái Học chất vấn tiếp, song ông lắc đầu cười.
Trong phiên chất vấn buổi sáng, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng bức xúc trước vấn đề trồng rừng bù lại phần đã mất do lấy đất cho dự án thủy điện. “Tại sao số liệu rừng trồng thay thế hai bộ Công Thương - Nông nghiệp báo cáo lại chênh nhau đến 3.000 ha. Và nếu hết thời gian và các doanh nghiệp không trồng đủ rừng thay thế thì xử lý thế nào?”, ông Vở hỏi.
Thắc mắc này được Bộ trưởng Hoàng lý giải có thể do thời điểm mà các bộ thống kê là không đồng nhất. Ngoài ra, không loại trừ việc Bộ Nông nghiệp tính cả phần trồng rừng bù cho dự án thủy lợi vì có nhiều công trình phụ vụ cả thủy điện và thủy lợi như dự án Cửa Đạt (Thanh Hóa). Theo vị này, dự kiến hết năm 2015 kế hoạch trồng bù diện tích rừng đã mất cho các dự án thủy điện sẽ hoàn thành, nhờ sự tích cực của các địa phương và chủ đầu tư.
Về chế tài xử lý, ông Hoàng cho biết tại cuộc họp tháng trước do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, bộ này đã đề nghị các phương án. “Với dự án đã có phương án trồng rừng nhưng chủ đầu tư không thực hiện thì sẽ tạm thời rút giấy phép hoạt động điện lực. Trong khi dự án đang chờ được phê duyệt thì cơ quan quản lý sẽ tạm thời cấp giấy hoạt động một năm”, ông Hoàng nói.
Trước đó, báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho hay, các vấn đề chất vấn Bộ trưởng Công Thương sẽ tập trung vào quy hoạch điện, thủy điện; lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền đối với điện, than, xăng dầu; công nghiệp hỗ trợ; quản lý và phát triển thị trường...
Chí Hiếu