Cuối tuần trước, nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh có trụ sở chính nằm ngay trong vùng lõi than của cả nước thông báo phải dừng vận hành 2 trên 4 tổ máy vì thiếu than để sản xuất. Theo tính toán, nhà máy vẫn thiếu 145.000-200.000 tấn than để đủ phát 4 tổ máy và mỗi ngày mất khoảng 10 triệu kWh, tương đương hụt thu hơn 13 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên nhà máy rơi vào tình cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất.
Câu chuyện thiếu than cho sản xuất của Nhiệt điện Quảng Ninh không phải cá biệt. Báo cáo lên Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, loạt nhà máy nhiệt điện khác thuộc tập đoàn này đã phải ngừng các tổ máy, giảm phát điện. Nhiệt điện Nghi Sơn, Hải Phòng tuần trước vừa phải giảm công suất 2-4 tổ máy về mức tối thiểu, thậm chí một số tổ máy còn ngừng hẳn hoạt động. Riêng Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11.
Ngày 28/11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cấp bách bổ sung than cho điện. Kết luận cuối cùng chưa được công bố, song theo một nguồn tin của VnExpress, Phó thủ tướng chỉ đạo TKV và Tổng công ty Đông Bắc (2 đơn vị cung cấp than chính) nỗ lực hết sức tìm mọi biện pháp, kể cả phát động thi đua để gia tăng năng lực trong ngắn hạn đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện.
Theo tính toán của EVN, để đáp ứng được yêu cầu phát điện cao trong tháng 12, các nhà máy của EVN cần 3,08 triệu tấn, trong đó than antraxit sản xuất trong nước là 2,55 triệu tấn. Song kế hoạch cung ứng của Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cho EVN chỉ hơn 2 triệu tấn (TKV cấp 1,6 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc cấp 450.000 tấn), thấp hơn so với nhu cầu 500.000 tấn. Tổng khối lượng than TKV đã cấp cho EVN trong năm nay vẫn thấp hơn 690.000 tấn so với hợp đồng đã ký.
"Nếu TKV tiếp tục cung cấp than thấp hơn so với nhu cầu thì khả năng hệ thống điện phải cắt giảm phụ tải trong tháng 12 rất lớn do không còn các nguồn khác để huy động và nguy cơ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia", EVN cảnh báo.
Tổng công suất điện bị giảm vì lý do này theo EVN ước tính khoảng 2.300 MW, bằng mức sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung.
Tình hình thiếu than tại một số nhà máy nhiệt điện
Đơn vị: (*) tấn; (**) triệu kWh
STT | Tên nhà máy | Lượng than thiếu (*) | Sản lượng điện thiếu (**) |
1 | Nhiệt điện Quảng Ninh | 145.000 | 282 |
2 | Nhiệt điện Nghi Sơn | 140.000 | 315 |
3 | Nhiệt điện Thái Bình | 400.000 | 900 |
4 | Nhiệt điện Hải Phòng | 430.000 | 960 |
Nguồn: Trung tâm Điều độ hệ thống quốc gia (A0).
Trong khi EVN cảnh báo nguy cơ thiếu điện do thiếu than thì TKV vẫn khẳng định "đã cấp đủ than cho điện, thậm chí vượt kế hoạch hợp đồng đã ký". TKV cũng cho biết, cuối tháng 11 bố trí cho Nhiệt điện Quảng Ninh 30.000 tấn và thêm 200.000 tấn than cho Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh. Với các nhà máy nhiệt điện còn lại, tình hình cân đối bổ sung thêm khá khó khăn.
Theo quy hoạch, biểu đồ cấp than của Bộ Công Thương đã ban hành, có tính tới chuyện nhu cầu trong nước cao hơn năng lực cung ứng nội địa và phần thiếu hụt này sẽ phải nhập khẩu.
Năm 2018 với sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Thực tế nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao, xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than hết công suất, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm. Vì thế, TKV đã phải nhập thêm 500.000 tấn về pha trộn để đảm bảo bù đắp thiếu hụt. Năm 2019, ngoài năng lực sản xuất trong nước khoảng 36-37 triệu tấn, tập đoàn này dự tính nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó tổng giám đốc TKV, tình hình trong nước "vẫn đang thiếu than". Ngoài ra, mới có 9 nhà máy nhiệt điện than, trong đó có nhiệt điện Quảng Ninh ký hợp đồng dài hạn với các đơn vị của TKV. Điều này khiến TKV chưa có cơ sở để cân đối nhu cầu trong dài hạn. Ông dẫn chứng, năm 2018 than cho điện dự kiến tăng tới 5,4 triệu tấn so với năm trước, nên nếu các nhà máy điện than bị giảm huy động sẽ gây tồn kho lớn cho TKV. Phó tổng TKV cho rằng cần phải có cam kết của các nhà máy điện về việc nhận đủ than, cũng như chế tài với các hộ nếu ký nhưng không dùng hết, kể cả trường hợp phải giảm phát...
Ngoài ra, ông Trung cũng lo ngại TKV bị lỗ nếu giá bán than cho điện tiếp tục thấp hơn giá thị trường, và thấp hơn nhiều so với giá than nhập khẩu, do đó cần sớm có chính sách giá đối với than pha trộn từ than nhập khẩu với than trong nước sản xuất để TKV (và Tổng công ty Đông Bắc) chủ động tính toán phương án nhập khẩu đảm bảo nhu cầu cho các nhà máy điện ngay từ đầu năm 2019.
Còn EVN đề xuất Chính phủ cho phép chủ động mua 4 triệu tấn than antraxit từ các nguồn than hợp pháp trong nước và nhập khẩu thông qua tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. "Ông lớn" ngành điện cũng đề nghị được hạch toán chi phí mua điện từ các nhà máy có sử dụng than nhập khẩu vào giá thành sản xuất và mua điện của EVN để điều chỉnh giá điện năm 2019 và các năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia năng lượng, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than ở khu vực phía Bắc đều được xây dựng, thiết kế để sử dụng nguồn than khai thác trong nước trong khi nguồn cung do TKV khai thác có hạn, giá thành cao. Do đó, ông Sơn cho rằng nếu chỉ phụ thuộc một nguồn than trong nước sẽ đặt ra nguy cơ lớn cho các nhà máy này nếu chạy hết công suất hoặc phải huy động chạy liên tục.
Nguyễn Hoài