Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nhiều nhà đầu tư dự án điện gió muốn bán điện cho Việt Nam với tổng công suất 4.149 MW, đấu nối qua khu vực Quảng Trị. Trong số này có hai dự án là Savan 1 và AMI Savanakhet (Lào) muốn bán điện cho Việt Nam từ nay đến 2025.
Riêng dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Việt Lào vừa được EVN trình Bộ Công Thương thẩm định chủ trương nhập khẩu điện. Dự án này dự kiến vận hành quý IV/2025 và đấu nối vào trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An).
EVN cho hay việc muốn nhập điện gió của Lào xuất phát từ tính toán của tập đoàn cho thấy miền Trung và Nam sẽ cơ bản đủ điện nếu các nguồn mới tại Quy hoạch điện VIII đảm bảo tiến độ hoàn thành. Còn cung ứng điện tại miền Bắc giai đoạn 2024-2030 rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện hai tháng cuối mùa khô (tháng 5-7 hàng năm) và thiếu điện từ 2025. Vì thế, EVN cho rằng nguồn điện từ Lào sẽ giúp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu, giảm nguy cơ thiếu điện các năm tới.
Ngoài ra, EVN cho rằng theo Quy hoạch điện VIII, tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ, như thủy điện sẽ giảm dần và các nguồn giá thành cao (điện khí LNG, khí lô B, điện gió ngoài khơi) có xu hướng tăng. Việc tăng nhập khẩu điện từ Lào cũng hỗ trợ giảm chi phí mua điện, đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Theo Bộ Công Thương, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu năm 2024 hơn 306 tỷ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô. Bộ này đánh giá 2024 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, khó khăn cho cung ứng điện, như không có nguồn lớn nào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ các nguồn khí hiện hữu suy giảm, nguồn khí mới chậm tiến độ.
Vì thế, để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, tại cuộc họp tuần trước, Bộ Công Thương yêu cầu EVN tính toán đề xuất việc đầu tư thêm đường dây truyền tải mới từ Lào về Việt Nam để tăng nguồn cung trong nước.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng phân tích lợi thế cạnh tranh của nhập khẩu điện từ Lào trước tiên là mức giá. Giá trần điện gió từ nước này về Việt Nam là 6,95 cent một kWh với các dự án điện vận hành thương mại trước 31/12/2025. Mức này cạnh tranh hơn nhiều so với các nguồn điện gió trong nước vận hành thương mại trước 1/11/2021, với điện gió trên đất liền 8,5 cent và điện gió trên biển 9,8 cent một kWh.
Còn so với các nguồn điện gió chuyển tiếp đang áp theo khung giá điện của Bộ Công Thương 6,42-7,34 cent một kWh (1.587-1.816 đồng), giá điện nhập từ Lào cao hơn.
Lý do khác theo EVN là trong số các dự án thủy điện Lào đã ký hợp đồng mua bán (PPA) với tập đoàn, một số chủ đầu tư cho biết không bán điện tiếp và các dự án này đều vận hành sau năm 2025. Tức là, tổng công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương nhập khẩu về Việt Nam có thể đưa vào vận hành đến 2025 khoảng 1.977 MW, thấp hơn nhiều so với quy mô theo biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước, tối thiểu 3.000 MW vào 2025 và 5.000 MW đến 2030. Với các dự án vận hành sau 2025, việc tiếp tục triển khai sẽ phụ thuộc lớn vào cơ chế, chính sách và giá điện nhập khẩu sau thời gian này.
EVN giải thích thêm, khi nhập điện từ Lào, Việt Nam sẽ giảm được vốn đầu tư ban đầu, không phải có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường xã hội trong nước với địa điểm dự án.
Khả năng tiếp nhận điện từ Lào về khu vực Quảng Trị phụ thuộc lớn vào tiến độ các công trình lưới điện truyền tải khu vực này. Cụ thể, dự án trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối sau khi hoàn thành vào 2027, có thể tiếp nhận, giải tỏa công suất khu vực này khoảng 2.500 MW. Nhưng khi dự án này hoàn thành, lưới truyền tải tại Quảng Trị chỉ có thể tiếp nhận tối đa 12% (300 MW) các nguồn điện từ Lào trong các tháng mùa khô của thủy điện (tháng 2-9). Thời gian còn lại trong năm, thủy điện và điện gió trong khu vực cùng phát công suất cao, sẽ gây đầy, quá tải đường dây.
Cân nhắc nhiều yếu tố, EVN cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam là phù hợp quy hoạch, thỏa thuận giữa hai quốc gia. Tập đoàn này kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, trình Thủ tướng khung giá mua điện nhập khẩu từ Lào 2026-2030; phương pháp tính giá điện và hợp đồng mua bán điện mẫu để có cơ sở triển khai đàm phán nhập điện từ Lào.
Khả năng tiếp nhận hạn chế khi dự án trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các đường dây đấu nối chưa vận hành, EVN kiến nghị công suất nhập khẩu điện từ Lào tối đa 300 MW vào các tháng mùa khô. Sau 2027 - thời điểm dự án đường dây, trạm biến á Hướng Hóa vận hành - công suất tiếp nhận lũy kế tối đa 2.500 MW.
Tập đoàn này cũng đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung các công trình lưới điện để đấu nối nhập khẩu điện từ Lào về khu vực Quảng Trị vào Quy hoạch điện VIII, như đường dây 220 kV mạch kép từ biên giới về trạm biến áp 220 kV Lao Bảo (hoàn thành trước 2025), đường dây 500 kV mạch kép từ biên giới về Lao Bảo (hoàn thành 2026-2030).
Hiện, điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Cuối tháng 9, EVN rót hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dài 45 km để kéo điện từ Lào về Việt Nam.
11 tháng, tổng lượng điện nhập khẩu (Lào, Trung Quốc) gần 4 tỷ kWh, chiếm 1,5% sản lượng toàn hệ thống.