Đây là thoả thuận thương mại song phương quan trọng thứ 2 sau thoả thuận VN gia nhập WTO vừa ký ngày 9/10. Thoả thuận này sẽ tạo ra sự đột phá, nâng quan hệ thương mại VN và EU lên tầng cao mới. Buôn bán 2 chiều sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo các doanh nghiệp, đây thực sự là tin vui cuối năm đối với ngành dệt may vốn đang gặp nhiều khó khăn. Kể từ 1/1/2005, chế độ hạn ngạch dệt may chấm dứt đối với các nước thành viên WTO khiến cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng lớn như Mỹ, EU ngày càng khốc liệt. 2 đối thủ lớn của VN là Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo có khả năng thống lĩnh ngành dệt may thế giới. Với thị trường EU, Trung Quốc có thể tăng thị phần từ 18% lên 29%, Ấn Độ có thể đạt mức tăng gần 9%.
"Những nước chưa là thành viên WTO nếu không được bãi bỏ hạn ngạch sẽ giảm mạnh thị phần, vì vậy đây là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp dệt may VN thâm nhập sâu thêm vào thị trường EU", một chuyên gia Bộ Thương mại nhận xét.
Theo kế hoạch năm 2004, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng 4 tỷ USD, trong đó thị trường EU chiếm xấp xỉ 1/4 giá trị. Đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,966 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kiều Giang - Phong Lan