"Để đối phó với sự trở lại của xung đột cường độ cao ở biên giới, chúng tôi quyết định tăng tốc sản xuất vũ khí", Thierry Breton, Ủy viên Công nghiệp và Thị trường nội bộ Liên minh châu Âu (EU), nói hôm 5/3, đề cập chiến sự Nga - Ukraine.
Ông đưa ra phát biểu sau khi công bố sáng kiến mang tên "Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu", trong đó dành khoảng 1,63 tỷ USD từ ngân sách của EU để tăng cường sản xuất vũ khí nội khối. Quan chức này trước đó cho biết liên minh cần chi khoảng 106 tỷ USD để có thể cạnh tranh sòng phẳng với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho rằng đây là khoản đầu tư không lớn, song nhấn mạnh kế hoạch này sẽ tạo tiền đề để EU có thể tự "chịu trách nhiệm nhiều hơn" với an ninh của mình.
Bà cũng ám chỉ rằng việc liên minh tăng cường sản xuất vũ khí nội khối là động thái mang tính dự phòng, trong trường hợp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay, sau đó ra quyết định bỏ rơi Ukraine và rút Mỹ khỏi NATO.
"Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn với an ninh của chính mình và duy trì cam kết đầy đủ với NATO", Vestager nói. "Chúng ta cần đạt được thế cân bằng xuyên Đại Tây Dương bất chấp kết quả bầu cử ở Mỹ. Chúng ta sẽ trở thành một đồng minh mạnh hơn nếu cải thiện được năng lực".
Bà Vestager cho biết gần 80% vũ khí EU mua sau khi xung đột Ukraine bùng phát tới từ các nước ngoài khối, trong đó riêng Mỹ là 60%. Đây là hiện trạng mà bà cho là "không còn bền vững".
Sáng kiến mới của EU cũng kêu gọi các thành viên chi ít nhất 50% ngân sách quốc phòng để mua vũ khí châu Âu vào năm 2030, trước khi tăng tỷ lệ này lên 60% sau đó 5 năm. Để hỗ trợ các nước đạt mục tiêu trên, liên minh dự kiến ban hành các chính sách cắt giảm thuế và thiết lập cơ chế để khuyến khích hoạt động mua bán khí tài nội khối.
Cũng theo sáng kiến, Ukraine sẽ được coi là "thành viên chưa chính thức" của EU, giúp quốc gia này có thể mua vũ khí từ các nước trong liên minh dễ dàng hơn.
Các nước EU đã ủng hộ Ukraine mạnh mẽ từ khi xung đột bùng phát ở nước này, ước tính chuyển giao khoảng 80.000 viên đạn pháo cho Kiev mỗi tháng, cùng nhiều khí tài hiện đại như xe tăng, thiết giáp, hệ thống phòng không hay tên lửa tầm xa.
Tuy nhiên, EU dự kiến chỉ có thể đáp ứng một nửa cam kết đưa ra hồi tháng 3/2023 về việc viện trợ cho Ukraine một triệu viên đạn pháo sau 12 tháng. Mỹ, quốc gia hậu thuẫn Ukraine nhiều nhất từ đầu xung đột, chưa thông qua gói viện trợ mới cho nước này do vấp phải phản đối của phe Cộng hòa tại quốc hội.
Sụt giảm viện trợ từ phương Tây là một trong các nguyên nhân khiến quân đội Ukraine gần đây gặp nhiều thất bại trên chiến trường, trong đó có việc để mất thành trì Avdeevka ở tỉnh Donetsk hồi giữa tháng 2.
Phạm Giang (Theo Newsweek, AFP)