Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RT. |
Nga đã sẵn sàng cho việc này từ một năm rưỡi nay. Tuy nhiên, nhiều khó khăn nảy sinh trong lòng EU khiến khối này suýt không thông qua được quyết định mở đàm phán với Matxcơva. Trước tiên, Ba Lan có quan điểm cứng rắn sau khi Nga cấm nhập thịt lợn từ nước này vì lý do không đáp ứng được các chuẩn mực y tế.
Sau đó, khi vấn đề với Ba Lan được giải quyết, đến lượt Litva đặt ra nhiều điều kiện mở đàm phán. Matxcơva kiên nhẫn chờ đợi và coi các trở ngại này như một vấn đề nội bộ của EU. Đến nay, sau khi giải quyết được những lý lẽ của Litva, Nga và EU đã sẵn sàng mở một trang mới trong lịch sử quan hệ đối tác của mình.
Trong khi đó, EU hy vọng soạn thảo một tài liệu tương đối tỉ mỉ về các nguyên tắc chung, các định hướng hợp tác và một chương trình phát triển quan hệ trong nhiều lĩnh vực. Nhưng Matxcơva lại cho rằng sẽ rất khó đạt thỏa thuận về một dự án quá chi tiết như vậy và họ muốn ký một thỏa thuận gọn, đồng thời cho phép các bên một biên độ áp dụng tương đối mềm dẻo.
Như vậy Matxcơva và Brussels cùng ngồi vào bàn nhưng lại chưa có một cái nhìn chung về thỏa thuận mới. Sự đồng thuận có thể đạt được bằng việc bổ sung thỏa thuận gọn theo kịch bản của Nga, với những yếu tố về quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Nhưng sự đồng thuận ấy chỉ mang tính kỹ thuật, bởi cả EU và Nga đều chưa xác định được các mục tiêu trong việc hợp tác lâu dài của mình.
Kết quả là sẽ rất khó tìm được một sự cân bằng giữa mong muốn hợp tác quy mô lớn với sự hợp tác mềm dẻo và thực dụng.
Một cảnh sát Nga tại thành phố Khanty-Mansiisk, trước thềm lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Nga-EU. Ảnh: AP. |
Vì thế nhiều khả năng các cuộc đàm phán sẽ có thể kéo dài ít nhất 2 năm và sẽ không hề dễ dàng.
Hơn nữa Nga và EU không chỉ là đối tác chiến lược mà còn là những đối thủ cạnh tranh của nhau. Bằng việc soạn thảo thỏa thuận đối tác chiến lược, có thể đảm bảo sự phát triển lành mạnh theo những quy định do hai bên thống nhất, trên cơ sở thừa nhận lợi ích của nhau. Một sự cạnh tranh như vậy sẽ cho phép tránh những cuộc xung đột nghiêm trọng và tạo ra một đối tác chiến lược thực tế, chứ không phải là đối tác suông giữa hai láng giềng.
Bạch Dương (theo RIA Novosti)