"Đại sứ các nước Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận chính trị về lệnh trừng phạt mới chống lại Nga. Đây là phản ứng mạnh mẽ của EU đối với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp các vùng lãnh thổ của Ukraine", Cộng hòa Czech, nước hiện là chủ tịch EU, hôm nay ra tuyên bố cho biết.
Chi tiết về gói trừng phạt mới chưa được công bố, nhưng các đại sứ EU đã thảo luận về những biện pháp trừng phạt tiềm năng trong vài ngày qua, tập trung vào nỗ lực áp giá trần đối với dầu Nga được vận chuyển trên khắp thế giới. Họ cũng đang xem xét mở rộng danh sách những người Nga bị EU cấm đi lại và đóng băng tài sản vì hậu thuẫn nỗ lực sáp nhập lãnh thổ Ukraine.
Gói trừng phạt đang trải qua thủ tục phê duyệt cuối cùng. Nếu không bị phản đối, nó sẽ được công bố và có hiệu lực vào 6/10.
Ủy ban châu Âu tuần trước đề xuất gói trừng phạt mới sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa Nga, có thể khiến Nga mất khoảng 7 tỷ USD doanh thu một năm. Các công ty châu Âu sẽ bị cấm cung cấp thêm dịch vụ cho Nga và công dân châu Âu không được phép đảm nhận vị trí trong hội đồng quản trị của các công ty nhà nước Nga.
Đề xuất không bao gồm những động thái quyết liệt hơn như áp lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, do Ba Lan và ba nước Baltic đề nghị.
Thông báo về gói trừng phạt mới được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Nga ký văn kiện chính thức sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Liên Hợp Quốc cùng nhiều nước phương Tây chỉ trích hành động này là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng tổ chức quốc tế từ chối công nhận quyết định của Nga.
EU trước đó đã áp 7 vòng trừng phạt với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Lệnh trừng phạt đã nhắm vào các lĩnh vực thiết yếu của Nga như vàng và năng lượng. Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, tháng trước nói rằng phương Tây đã áp 11.000 lệnh trừng phạt với Nga.
Đại học Yale, một trong những đại học lâu đời nhất ở Mỹ, nhận định nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nặng từ lệnh trừng phạt phương Tây và các doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường. Trong khi đó, giới chức Nga thừa nhận nền kinh tế gặp khó khăn, nhưng khẳng định Moskva chống chọi tốt với đòn trừng phạt của phương Tây.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)