"Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh với an ninh và quốc phòng Liên minh châu Âu (EU). Tình trạng thiếu đầu tư khiến năng lực phòng thủ không đáp ứng những mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt. Cơ quan Phòng thủ châu Âu từng cảnh báo về điều này", Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU, cho biết trong bài đăng trên trang chủ Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) hôm qua.
Ông Borrell nói rằng môi trường an ninh hiện tại cho thấy EU cần hành động nhiều hơn để bảo đảm an ninh, trong đó có xây dựng lực lượng quân sự hiện đại và có khả năng hiệp đồng, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến và khí tài trong các lĩnh vực như phòng không, tác chiến không gian mạng và phòng thủ không gian.
"Kho dự trữ khí tài cạn kiệt sau nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine là ví dụ rõ nhất về những khuyết điểm của chúng ta. Đây là một phần hậu quả từ những đợt cắt giảm ngân sách và thiếu đầu tư trong quá khứ", quan chức EU cho hay, đồng thời kêu gọi các nước EU bổ sung dự trữ vũ khí và cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu nội bộ.
Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và EU, đang rót vũ khí vào Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Hà Lan, Latvia gửi tên lửa cho lực lượng phòng không Ukraine. Estonia chuyển tên lửa chống tăng Javelin, trong khi Cộng hòa Czech gửi súng máy, súng bắn tỉa, súng lục và đạn dược. Ba Lan hứa cung cấp hàng chục nghìn đạn pháo, tên lửa phòng không, súng cối hạng nhẹ, máy bay trinh sát không người lái và các vũ khí khác.
Bộ Quốc phòng Đức sẽ chuyển giao 15 hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard đầu tiên cùng 60.000 viên đạn cho Ukraine để bảo vệ mục tiêu trọng yếu vào tháng 7. Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht hồi đầu tháng 4 cũng thông báo Đức sẽ chuyển cho Ukraine 7 tổ hợp pháo tự hành PzH 2000 cỡ nòng 155 mm.
Quỹ châu Âu được sử dụng để mua vũ khí hạng nặng được gọi là Cơ sở Hòa bình châu Âu. Quỹ này được thành lập hai năm với mục tiêu ngăn chặn xung đột và tăng cường an ninh quốc tế. Quỹ có ngân sách khoảng 6,4 tỷ USD cho hoạt động từ năm 2021 tới 2027. Quan chức EU cho biết nếu Ukraine cần hỗ trợ tài chính, nó có thể được sử dụng.
Vũ Anh (Theo Sputnik)