Trong bối cảnh Nga tăng cường không kích vào cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố của Ukraine, chính phủ nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) đang chịu áp lực phải cung cấp thêm hệ thống bảo vệ cho Kiev. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 22/4 tại Luxembourg, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng từ những quốc gia sở hữu hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, loại Ukraine đã sử dụng và đánh giá cao về khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo, đều không thể đưa ra cam kết cung cấp hệ thống này cho Kiev.
Các quan chức cho rằng rất khó để các nước chuyển Patriot vì chúng là một phần không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Giới chức Ukraine phản bác nguy cơ các nước EU bị tấn công bằng đường không là rất thấp, trong khi Ukraine thường xuyên phải đối mặt với những cuộc tập kích như vậy.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho hay Stockholm đã đồng ý cung cấp vũ khí phòng không cho Ukraine, trong đó có tên lửa phòng không vác vai RBS 70.
Khi được hỏi liệu Thụy Điển có cung cấp Patriot không, ông cho biết "không loại trừ khả năng này" nhưng hiện tại, Stockholm "đang tập trung vào đóng góp tài chính nhưng cũng có thể chuyển thêm RBS 70 nhằm giảm bớt một số áp lực lên Patriot".
"Chúng tôi nhận thức rõ nhu cầu phòng không của Ukraine, đặc biệt là đối với tên lửa Patriot, và chúng tôi luôn cố gắng làm bất cứ điều gì có thể", Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nói. "Nhưng vì đây là một cuộc xung đột thực sự nên tôi không thực sự ủng hộ ý tưởng tiết lộ quá nhiều về những gì chúng tôi cung cấp, khi nào và từ đâu".
Hy Lạp từ lâu đã phản đối việc gửi các hệ thống phòng thủ cỡ lớn hoặc tiêm kích tới Ukraine, chủ yếu là do căng thẳng giữa nước này với Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi được hỏi liệu Hy Lạp có kế hoạch gửi hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tới Ukraine hay không, người phát ngôn chính phủ Pavlos Marinakis cho hay "sẽ không có bất kỳ động thái nào dù chỉ gây nguy hiểm ở mức tối thiểu đến khả năng răn đe hoặc phòng không của đất nước".
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren, nhóm các nước cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine dự kiến gặp nhau vào cuối tuần này. Cuộc họp sẽ tạo cơ hội khác để các chính phủ công bố viện trợ phòng không cho Kiev.
Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thụy Điển đều sở hữu hệ thống Patriot.
Kể từ khi Ukraine thúc đẩy đồng minh viện trợ thêm hệ thống Patriot trong những tuần gần đây, Đức là quốc gia EU duy nhất cam kết bổ sung cho họ. Đức cũng đang dẫn đầu nỗ lực mua thêm hệ thống phòng không từ các nước khác nhằm hỗ trợ Ukraine, thông qua việc quyên góp thiết bị và đóng góp tài chính.
Tại cuộc họp ở Luxembourg, các quan chức EU đồng thời nhấn mạnh họ sẽ không tự mãn trước việc Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua gói hỗ trợ Ukraine trị giá 61 tỷ USD hồi cuối tuần qua.
"Chúng ta có thể vui mừng trong một ngày nhưng phải chuẩn bị cho trận chiến sắp diễn ra vào ngày mai. Vì vậy, không thể vội yên tâm được", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nói với các phóng viên khi đến cuộc họp.
Vũ Hoàng (Theo AFP)