"Nhiều nước thành viên không có ngân sách linh động như Đức" và không thể hỗ trợ tương tự cho nền kinh tế của họ, Thierry Breton và Paolo Gentiloni, ủy viên đại diện cho Pháp và Italy tại Ủy ban châu Âu (EC), cho biết trên tờ Les Echos của Pháp ngày 3/10.
"Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tránh bóp méo sự cạnh tranh trong thị trường nội khối", hai ủy viên cảnh báo. "Chúng ta không được châm ngòi một cuộc đua trợ giá, làm dấy lên hoài nghi về những nguyên tắc đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sự thành công của châu Âu".
Ủy viên EC của Pháp và Italy bình luận sau khi Đức ngày 29/9 thông báo thiết lập một "lá chắn phòng vệ" 200 tỷ euro (194 tỷ USD), bao gồm kiểm soát giá khí đốt và giảm thuế, để bảo vệ các công ty và hộ gia đình trước tác động từ đà tăng giá nhiên liệu.
Các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) không thể đưa ra mức hỗ trợ tương tự, như Pháp và Italy chỉ chi hỗ trợ lần lượt 67 và 68 tỷ euro.
EU đang đối mặt mùa đông đầy thách thức, trong bối cảnh giá khí đốt và giá điện tăng vọt, với nguồn cung từ Nga giảm đáng kể. EU ngày 30/9 thông qua loạt biện pháp để triển khai trong liên minh, như áp thuế với lợi nhuận bất thường của các công ty, để bảo vệ người tiêu dùng.
EU vẫn chia rẽ về bước đi tiếp theo, các lãnh đạo liên minh sẽ họp tại Prague, Cộng hòa Czech, trong tuần này. Phần lớn trong số 27 nước thành viên muốn EU áp giá trần khí đốt, một số quốc gia như Ba Lan, Italy đang soạn đề xuất riêng. Số khác như Đức, Áo, Hà Lan, Hungary, Đan Mạch phản đối.
EC đã bày tỏ lo ngại về ý tưởng áp giá trần khí đốt, cho rằng các nước nên cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng, như chỉ nhằm vào khí đốt sử dụng để sản xuất điện.
"Nếu không có một giải pháp chung cho châu Âu, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ chia rẽ nội bộ nghiêm trọng", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói ngày 2/10.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)