"Chúng tôi biết việc Belarus từ bỏ phi hạt nhân hóa có nghĩa gì. Nó có nghĩa rằng Nga sẽ đưa vũ khí hạt nhân vào Belarus và đây là con đường rất nguy hiểm", đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm nay nói.
Belarus hôm 27/2 tổ chức trưng cầu dân ý, qua đó đa số người dân ủng hộ thay đổi hiến pháp, cho phép nước này tiếp nhận vũ khí hạt nhân và lực lượng Nga triển khai dài hạn, đồng thời kéo dài thời gian cầm quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell tham dự một cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Brussels, Bỉ, ngày 27/2. Ảnh: Reuters.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân được đặt trong vào trạng thái báo động cao độ, động thái mà phương Tây cho là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Ông Borrell gọi kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Belarus là "giả mạo".
EU chuẩn bị áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới lên Minsk vì hỗ trợ đồng minh thân cận Moskva triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Các đồng minh phương Tây lo ngại việc Belarus, quốc gia láng giềng với ba nước EU và NATO, thay đổi hiến pháp có thể khiến nhiều vũ khí của Nga được đưa tới gần biên giới của họ. Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2 với mục tiêu "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Sau 5 ngày xung đột, lực lượng Nga được cho là đã chuyển sang dùng chiến thuật bao vây. Quan chức Lầu Năm Góc nhận định Nga đổi chiến thuật khi đà tiến quân chậm lại do "vấp phải kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine", cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ cùng đồng minh đã áp loạt lệnh trừng phạt lên Moskva cũng như Tổng thống Putin. Các nước phương Tây hôm 26/2 nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), được coi là lệnh trừng phạt rất nặng. Moskva nhiều lần khẳng định loạt lệnh trừng phạt thể hiện sự bất lực của phương Tây.
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)