Theo ước tính mới nhất được Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) công bố hôm 8/3, từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2/2022, Nga thu về hơn 315 tỷ USD từ bán nhiên liệu hóa thạch, gồm than, dầu và khí đốt. Trong số đó, 149 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng doanh thu, đến từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong năm qua, EU vẫn là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất của Nga, bất chấp các biện pháp trừng phạt của khối, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than và dầu thô Nga bằng đường biển, cũng như áp trần giá đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga.
Tuy nhiên, trong hai tháng đầu năm nay, tính đến ngày 4/3, Trung Quốc đã vượt EU để trở thành bên mua năng lượng lớn nhất của Nga. Quốc gia châu Á này chủ yếu nhập khẩu dầu thô, chiếm hơn 80% lượng mua năng lượng trị giá hơn 55 tỷ USD.
Nga phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt. Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga bị phương Tây áp các lệnh trừng phạt chưa từng có, cắt đứt nhiều mối liên kết của nước này với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, việc thắt chặt quan hệ với Trung Quốc đã giúp Nga giảm thiểu phần nào tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt phương Tây.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga từ trước xung đột, đóng góp 16% tổng kim ngạch ngoại thương. Vai trò của Trung Quốc ngày càng lớn khi kinh tế Nga bị đẩy vào suy thoái vì các lệnh trừng phạt.
Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt đã quyết định áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga từ ngày 5/12/2022. Phương Tây kỳ vọng động thái này giúp hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga cũng như khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Huyền Lê (Theo RT, CNN)