"Chúng tôi đã trả tiền cho các công ty và hy vọng họ sẽ giao hàng", Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói trong cuộc họp báo tại Brussels ngày 29/1.
"Biện pháp hôm nay được áp dụng với tính cấp thiết cao nhất. Mục đích của biện pháp là cung cấp cho chúng tôi sự minh bạch toàn diện và một công cụ đảm bảo nguồn cung vaccine nếu cần".
Biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine của EU dự kiến sẽ có hiệu lực tới cuối tháng 3 và chỉ áp dụng với các loại vaccine được mua trước đó theo thỏa thuận giữa các công ty dược phẩm và Ủy ban châu Âu.
EU bất đồng dữ dội với AstraZeneca trong tuần này, cáo buộc công ty dược phẩm vi phạm hợp đồng bằng cách trì hoãn giao hàng cho các nước trong khối song vẫn duy trì phân phối theo hợp đồng ký với Anh, nước đã quyết định rời khỏi EU.
Tuy nhiên, Ủy viên Y tế EU Stella Kyriakides khẳng định liên minh "không tự bảo vệ", "không cạnh tranh hay chạy đua" với bất cứ quốc gia nào. Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Dombrovskis nói các công ty khi thông báo đơn hàng xuất khẩu mới phải cung cấp thông tin về hàng hóa xuất khẩu, điểm đến, số lượng được ký trong vòng ba tháng trước khi kế hoạch giám sát xuất khẩu có hiệu lực.
Yêu cầu này buộc AstraZeneca cung cấp thông tin về việc liệu hãng dược phẩm này có ưu tiên chuyển vaccine cho Anh từ một trong hai nhà máy ở châu Âu được cho là gặp trục trặc trong khâu sản xuất.
Quyết định của EU có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech, sản phẩm do hãng dược phẩm Đức và Mỹ phối hợp phát triển và sản xuất.
Trước đó, truyền thông tiết lộ nội dung thư của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó viết rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng "các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sản xuất và cung cấp vaccine hiệu quả cho dân EU".
Việc xuất khẩu vaccine sẽ cần tới giấy phép đặc biệt của EU và họ sẽ chỉ cấp phép sau khi đảm bảo các nhà sản xuất giao đủ liều cho những nước trong liên minh theo hợp đồng. Hai quan chức cho biết các nước nghèo và chương trình COVAX, cơ chế phân phối vaccine quốc tế do WHO đồng dẫn dắt, được miễn trừ và không cần xin giấy phép.
Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 26/1 ở Davos, Thụy Sĩ, lãnh đạo các nước bất đồng về vấn đề phân phối vaccine. Chủ tịch Ủy ban EU Leyen lập luận rằng châu Âu "đầu tư hàng tỷ giúp phát triển những vaccine Covid-19 đầu tiên của thế giới", nên các công ty phải có nghĩa vụ cung cấp hàng theo hợp đồng.
Covid-19 bùng phát hồi tháng 12/2019, xuất hiện tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 102 triệu ca nhiễm, 2,2 triệu ca tử vong và hơn 74 triệu người đã bình phục. Châu Âu là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch, với 4 quốc gia thành viên EU nằm trong nhóm 10 nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới là Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Đức.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)