Ủy ban Thường trực về Vaccine (STIKO) thuộc Viện Robert Koch của Đức (RKI) nhận thấy dữ liệu về tính hiệu quả với nhóm tuổi trên của AstraZeneca, loại vaccine do công ty AstraZeneca và đại học Oxford phát triển, hiện chưa đầy đủ, theo thông cáo từ Bộ Nội vụ Đức hôm 28/1.
"Do số lượng người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi từ 65 trở lên khá ít, không thể đưa ra kết luận liên quan đến tính hiệu quả và an toàn đối với người già. Vaccine này do đó được STIKO khuyến cáo chỉ dùng cho những người 18-64 tuổi", STIKO cho hay.
Phản ứng trước thông tin trên, một phát ngôn viên của AstraZeneca tuyên bố "những phân tích mới nhất về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 AstraZeneca/Oxford cho thấy tính hiệu quả với nhóm trên 65 tuổi". Hãng dược phẩm đang chờ quyết định kiểm duyệt từ các nhà quản lý của Liên minh châu Âu (EU).
EU đã đặt hàng 300 triệu liều AstraZeneca và có thể mua thêm 100 triệu liều. Vaccine này có thể được Cục Dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép ngay ngày 29/1.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot, cho hay trong cuộc phỏng vấn với tờ la Repubblica của Italy hồi đầu tuần rằng dữ liệu liên quan đến nhóm dân số già bị hạn chế là do các nhà khoa học Oxford phụ trách thử nghiệm vaccine AstraZeneca không muốn tuyển người lớn tuổi cho đến khi "tích lũy được nhiều dữ liệu an toàn" với những người từ 18 đến 55 tuổi.
"Về cơ bản, vì Oxford bắt đầu tiêm vaccine cho người già muộn hơn nên chúng tôi không có một lượng lớn người cao tuổi được tiêm chủng. Đó chính là vấn đề gây tranh cãi. Nhưng chúng tôi có dữ liệu chắc chắc cho thấy việc tạo ra kháng thể mạnh mẽ chống lại virus ở người già, tương tự ở người trẻ tuổi hơn. Có thể một số quốc gia thận trọng sẽ chỉ dùng vaccine của chúng tôi cho nhóm trẻ hơn".
Anh, nước phê duyệt vaccine Oxford/AstraZeneca gần một tháng trước, đã cấp phép tiêm chủng cho người trên 65 tuổi. Trong báo cáo của mình, cơ quan quản lý thuốc của Anh MHRA cho biết có rất ít thông tin về tính hiệu quả với người từ 65 tuổi trở lên, nhưng cũng không có dữ liệu cho thấy vaccine này thiếu khả năng bảo vệ trước Covid-19.
Cảnh báo của Bộ Nội vụ Đức được đưa ra trong bối cảnh EU và AstraZeneca tiếp tục tranh cãi về việc chậm trễ phân phối với vaccine Covid-19 cho khối này. AstraZeneca cho hay không thể cung cấp lượng vaccine nhiều như EU mong muốn, do các khó khăn ở khâu sản xuất. Tuy nhiên, Ủy ban EU, cơ quan đã đặt hàng vaccine AstraZeneca cho một nửa trong số các quốc gia thành viên, cho rằng điều này là không chấp nhận được và hãng dược phẩm phải tìm cách tăng nguồn cung.
Nhiều quốc gia EU, trong đó có Đức, sắp hết vaccine. Chính phủ Đức dự kiến nước này đối mặt với việc thiếu nguồn cung trong ít nhất 10 tuần nữa, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết hôm 28/1 giữa những chỉ trích quanh tốc độ triển khai tiêm chủng chậm trễ.
Số ca nhiễm nCoV trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở Đức đã giảm xuống dưới ngưỡng nghiêm trọng lần đầu tiên trong 3 tháng, còn 98 ca. Thủ tướng Angela Merkel đã vạch ra kế hoạch giảm tỷ lệ nhiễm nCoV xuống dưới 50 ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong vòng 7 ngày để có thể theo dõi và truy vết các ca nhiễm.
Anh Ngọc (Theo CNN)